Quang cảnh phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
“Cơn sốt” đất đã tràn về nông thôn
Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10. Qua các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, đại biểu bày tỏ rất phấn khởi khi các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều phục hồi và có bước tăng trưởng mạnh.
Song qua báo cáo cũng thấy còn trăn trở, đó là trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.
Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc đánh giá sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
“Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa”, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu thực trạng.
Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như “cuốn sổ bảo hiểm”. Người nông dân giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy? Tại sao người nông dân lại không nhận ra hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún và tại sao người nông dân lại không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất”, đại biểu nêu băn khoăn.
Theo đại biểu, có rất nhiều nguyên nhân cho thực trạng trên, song có phần bắt nguồn từ thể chế đang còn những nút thắt, lực cản. Để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai - đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn, rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện.
Theo đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp hợp tác xã.
Cần chính sách hỗ trợ đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp
Cũng liên quan vấn đề tích tụ đất đai, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) kiến nghị, cần rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù của các địa phương để tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu nhằm chủ động về nguyên liệu.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Theo đại biểu, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái, kinh tế toàn cầu, thậm chí rủi ro do chiến tranh kinh tế tại một số nước, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động nguồn nguyên liệu và khả năng tự cung của quốc gia.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần xây dựng và bảo đảm tính ổn định, tiếp tục của chuỗi giá trị và cung ứng bằng cách tập trung vào thị trường, đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) chia sẻ những lo lắng, trăn trở của cử tri và nhân dân về tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, hay giá thành thấp, thậm chí thua lỗ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người nông dân.
“Điệp khúc trên được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đề xuất, kiến nghị của cử tri, thực trạng có vậy nhưng giải pháp giải quyết thì chưa kịp thời”, đại biểu nêu thực tế.
Do đó, đại biểu kiến nghị các Bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nhằm giảm gánh nặng trong đời sống cho người nông dân.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang). (Ảnh: DUY LINH)
Cụ thể, đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp. Đại biểu phân tích, do tập trung phát triển nông nghiệp để cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước, các tỉnh nông nghiệp không thể cùng một lúc đầu tư phát triển công nghiệp hoặc lĩnh vực khác để phát triển. Do đó, đa số các tỉnh này sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần quan tâm kiểm soát nguồn gốc và chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón trên thị trường.
Chính phủ cũng cần quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp; cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả theo chuỗi giá trị; có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để người dân có nơi tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết