Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay

Truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là qua 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bài học kinh nghiệm về vận dụng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước cần được tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Bức tranh tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”_Nguồn: tienphong.vn

Điện Biên Phủ - Sự phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngay khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn (23-9-1945), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một cuộc chiến tranh xảy ra. Song mọi cố gắng, nỗ lực của phía Việt Nam đã bị dã tâm xâm lược của thực dân Pháp chối bỏ. Trước tình thế đó, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra bản Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Bản chỉ thị nêu rõ: Mục đích cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc; tính chất: Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến; các chính sách của cuộc kháng chiến là đoàn kết toàn dân, xây dựng thực lực về mọi mặt để chống thực dân Pháp. Tiếp đó, nhằm chống lại những hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19-12-1946, thay mặt Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm sắt đá: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(1).

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những văn kiện cơ bản hợp thành đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp. Đường lối đó hợp lòng dân nên đã nhanh chóng quy tụ và phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập và tự do cho đất nước, dân tộc.

Với đường lối chiến lược đúng đắn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta từng bước giành những thắng lợi to lớn. Từ năm 1945 đến năm 1953, quân và dân ta liên tiếp làm thất bại mọi kế hoạch chiến lược của địch, từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, kế hoạch phong tỏa biên giới và “làm chủ vùng đồng bằng”, đến kế hoạch “giành quyền chủ động chiến lược”. Thất bại dồn dập về quân sự, hao tổn về tài chính, buộc thực dân Pháp phải dựa hẳn vào đế quốc Mỹ, xin thêm nhiều viện trợ nhằm đẩy mạnh chiến tranh với mong muốn giành thắng lợi quân sự để kết thúc chiến tranh trong danh dự. Với ý đồ đó, Kế hoạch Navarre - một kế hoạch đầy tham vọng của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra đời. Mục tiêu của kế hoạch là giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng để kết thúc chiến tranh có lợi cho cả Pháp và Mỹ. Với tham vọng giành lại quyền chủ động trong thế bị động, H. Navarre đã đổ quân tinh nhuệ của Pháp xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Theo đó, quân địch chiếm đóng ở Điện Biên Phủ với quân số lúc cao nhất lên tới 16.200 tên, gồm những đơn vị tinh nhuệ, bố trí trong 49 cứ điểm, chia làm ba phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm. Ỷ vào thế mạnh về quân sự, vào ưu thế của vũ khí, trang bị và khả năng tiếp tế, thực dân Pháp và cả đế quốc Mỹ đều đi đến một nhận định, Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại, là nơi “nghiền nát chủ lực của Việt Minh”. Trái với những tham vọng và tuyên bố huênh hoang, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một lần nữa lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam lại khẳng định sự tất thắng của sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc trước kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, vũ khí tối tân, hiện đại. Trong lịch sử, chính sức mạnh đó đã “nhấn chìm” không ít kẻ thù hung bạo khi chúng đến xâm lược Việt Nam.

Sau khi phân tích tình hình trên các chiến trường, đầu tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(2). Từ đây, một cuộc động viên sức người, sức của của toàn dân tộc đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, nhà buôn và cả một số địa chủ, tư sản, ai ai cũng sẵn lòng góp công, góp của. Đâu đâu cũng có phong trào ra quân rầm rộ. Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương nhanh chóng được thành lập, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, đã chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước cho cuộc kháng chiến. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, mọi địa phương đều thi đua chi viện cho mặt trận. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, dù nhiều nơi mới được giải phóng, còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng đã tích cực đóng góp cho chiến dịch đến 1.200 tấn gạo, 300 tấn thịt và gần 100 tấn rau. Liên khu Việt Bắc đóng góp 7.311 tấn lương thực, riêng tại Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) là 2.266 tấn. Ở Liên khu III (do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo), tuy còn nhiều vùng địch chiếm đóng nhưng cũng huy động được 1.183 tấn gạo, 57 tấn muối. Ở Liên khu IV, chủ yếu là tỉnh Thanh Hóa, mặc dù đồng bào còn rất khó khăn, nhưng vì tiền tuyến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhân dân đã sẵn sàng và huy động hơn 8.000 tấn thức ăn khô. Đặc biệt, dù là nơi đang trực tiếp chiến đấu với địch, nhân dân huyện Điện Biên cũng đóng góp được 555 tấn lương thực (vượt mức trên giao 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn)(3).

Cùng với những đóng góp tích cực của nhân dân cả nước về lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, lực lượng dân công của các địa phương cũng được huy động đủ đáp ứng yêu cầu cho chiến dịch. Liên khu III tổ chức mỗi đoàn từ 300 đến 500 người. Tỉnh Hòa Bình huy động 5.000 dân công làm đường. Huyện Mỹ Đức (Hà Đông) mới giải phóng đã có 800 người tình nguyện đi dân công phục vụ chiến dịch, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) huy động đội xe thồ 150 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực. “Ngay tại hỏa tuyến, đồng bào Điện Biên cũng đưa 3.000 người đi dân công với 64.670 ngày công phục vụ. Hậu phương tại chỗ, khu Tây Bắc huy động 31.818 dân công. Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chung của cả nước cũng cung cấp cho mặt trận 36.518 dân công. Trong vùng địch hậu tỉnh Kiến An đã đóng góp 230.294 ngày công. Trong vùng tạm chiếm của các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào đã chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và 7,5 triệu ngày công đi dân công”(4).

Tính chung trong chiến dịch, ngoài 16 đại đội ô tô vận tải của quân đội, các phương tiện thô sơ của các địa phương là lực lượng hết sức quan trọng và vận chuyển hiệu quả hàng hóa, điển hình có tới hơn hai vạn xe đạp thồ được huy động. Ngoài việc tham gia vận tải gạo, đạn cho chiến trường, lực lượng dân công còn tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa, trực tiếp vào tận chiến hào để phục vụ chiến đấu. Đồng bào nhiều địa phương cùng sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường, phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ những nỗ lực đó mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tạo nên thành công vượt bậc đó.

Tổng kết toàn chiến dịch, nhân dân cả nước huy động được 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác... Huy động 216.451 lượt dân công bằng 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng(5). Ghi nhận kết quả này, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch, thay mặt cho toàn quân, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu… quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”(6). Đánh giá kỳ tích này, tướng Pháp Y. Gra nhận xét rất đúng rằng: “Cả dân tộc đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ Tham mưu Pháp”(7).

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn được huy động ở mức cao nhất trong phối hợp tiến công trên các hướng chiến lược để căng kéo quân địch, buộc chúng phải phân tán ra các chiến trường theo ý định của ta. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Tại Liên khu III, ta tăng cường tiến công tập kích Đường 5 - tuyến đường vận tải chiến lược của địch từ Hải Phòng về Hà Nội; đồng thời, liên tiếp tập kích các sân bay Gia Lâm và Cát Bi để phá tuyến vận tải đường không của địch chi viện cho Điện Biên Phủ… Ở chiến trường Nam Bộ, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy nhanh nhịp độ tiến công để phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đơn vị chủ lực của các khu và các tỉnh đã kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào vùng địch hậu các tỉnh: Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu… Bằng nhiều hình thức, như phục kích, tập kích, công đồn, các lực lượng vũ trang Nam Bộ đã diệt nhiều sinh lực địch, phá nhiều đồn bốt. Trong cả nước, nhân dân từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn liên tiếp mở nhiều cuộc đấu tranh, vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng tích cực tham gia đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian. Qua đó, ta đã phân tán một bộ phận quan trọng lực lượng địch, buộc chúng phải căng sức đối phó, bị giam chân ở nhiều chiến trường. Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực tới chiến trường Điện Biên Phủ.

Để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề quan trọng là phải giải quyết hợp lý quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân ở vùng hậu phương. Nhiệm vụ tối cao lúc này là kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc; song, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng giải quyết thỏa đáng những quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi tối cao dân tộc và không làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nổi bật trong thời gian này ở hậu phương (vùng mới giải phóng), Đảng đã có chủ trương và chính sách nhằm đem lại mục tiêu, quyền lợi dân chủ, nhất là cho nông dân - lực lượng đông đảo nhất trong xã hội. Theo đó, năm 1953, Đảng phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện “Người cày có ruộng”. Tháng 12-1953, Luật Cải cách ruộng đất được ban hành. Trên thực tế, từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, Đảng đã lãnh đạo tiến hành 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất ở vùng tự do. Điều đó đã động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do và sau lưng địch, làm cho cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến càng tin tưởng sâu sắc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành khối đại đoàn kết, dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Bên cạnh đó, trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp cũng như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã có thành công lớn trong vận động nhiều địa chủ, tư sản dân tộc cùng con em, gia đình họ tham gia kháng chiến.

Lực lượng công an đã góp phần tích cực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tích cực phối hợp hoạt động, thành lập “Ban Công an tiền phương” làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực. Từng đơn vị tổ chức ra các ban bảo vệ dân công và phát động phong trào “phòng gian bảo mật”; giữ bí mật, phổ biến cách thức phòng, chống do thám, điều tra của địch; quy định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch… Tính từ tháng 1 đến tháng 5-1954, Công an Liên khu II, IV, khu Tây Bắc, Việt Bắc đã bắt hàng trăm tên tình báo gián điệp chuyên theo dõi thu thập tin tức về các cuộc hành quân, đóng quân của bộ đội ta từ các hướng lên Điện Biên Phủ(8). Phong trào “phòng gian bảo mật” được phát động rộng khắp trên toàn mặt trận, công tác chống gián điệp, bảo vệ nội bộ được triển khai một cách chủ động, vững chắc và đạt hiệu quả cao; vì vậy, địch hoàn toàn bất ngờ và bị động trước sự tiến công của ta. Đồng thời, lực lượng công an đã làm tốt công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống…

Sức mạnh đoàn kết, sự đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc Việt Nam đã quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”(9). Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo kiên quyết và tham gia tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương bằng những hình thức, biện pháp hết sức linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân để “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Chính sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ấy được phát huy cao độ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà tướng H. Navare - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương - đã phải thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”(10).

Cán bộ, chiến sĩ và học sinh tham quan Triển lãm "Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ"_Ảnh: TTXVN

Tiếp tục phát huy tinh thần, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ trong giai đoạn hiện nay

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ dù đã lùi vào lịch sử 70 năm, nhưng bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành thắng lợi đến hôm nay vẫn nguyên giá trị lịch sử. Vận dụng bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là rất cần thiết, bởi vì, “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(11). Theo đó, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(12); hướng vào thực hiện mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(13).

Theo phương hướng đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng cũng như nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả(14).

Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cần tiếp tục coi trọng quyền làm chủ của nhân dân và thực hành dân chủ ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước, đề cao quyền con người, quyền công dân. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước; phát huy tích cực vai trò đại diện quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình mới hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, một dân tộc đã đoàn kết một lòng, đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững nền độc lập và “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa - “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”(15) trong thế kỷ XX, sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần Điện Biên Phủ, “nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một “Điện Biên Phủ” mới trong sự nghiệp đổi mới”(16), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa./.

PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO

Trung tướng, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
(2) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. III, tr. 868
(3) Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Điện Biên: Chiến thắng Điện Biên Phủ, giá trị lịch sử và hiện thực (07-5-1954 - 07-5-2019), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 201 - 202
(4) Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Sử học: Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 99
(5) Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 290
(6) Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr. 158 -159
(7) Nguyễn Huy Toàn: Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr. 39
(8) Minh Nguyễn: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 07-05-2017, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/chien-thang-dien-bien-phu--bai-hoc-ve-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-436842.html
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 410
(10) Hăng-ri Na-va: Đông Dương hấp hối, Nxb. Plông, Pa-ri, 1958, tr. 193 (Bản dịch của Viện Sử học)
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 48
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 48
(13) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 139
(14) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Sđd, tr. 140 - 158
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 315
(16) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, Tạp chí Cộng sản, số 6 (tháng 3-2004), tr. 23

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục