Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm mô hình du lịch văn hoá cộng đồng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Lai Châu_Nguồn: vietnamplus.vn
Quá trình hình thành lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Năm 1986, trước bối cảnh nền kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng, trì trệ trầm trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc đổi mới không đơn thuần là tìm ra giải pháp trước mắt cho nền kinh tế, mà thực chất là tìm ra mô hình phát triển mới và con đường phù hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước đó, Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9-1979) được xem là dấu mốc khởi đầu quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước với những chủ trương mới là “phát súng hiệu” về phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần…, thể hiện qua những việc “bỏ ngăn sông, cấm chợ”, cho “sản xuất bung ra”, thừa nhận sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế(1).
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) chủ trương đoạn tuyệt với cơ chế tập trung, bao cấp, tạo lập cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Trong cơ cấu nền kinh tế, ngoài thành phần kinh tế XHCN, với khu vực quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, Đảng thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế khác, gồm: tiểu sản xuất hàng hóa, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp.
Trên cơ sở những thành công bước đầu trong phát triển nền kinh tế đa thành phần, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) tiếp tục lộ trình xây dựng nền kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với cơ cấu gồm năm thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân và tư bản nhà nước). Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) bắt đầu định hình các thành tố cơ bản về định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái"(2).
Mặc dù từ Đại hội VI của Đảng đến Đại hội VIII của Đảng, Đảng đã có những bước phát triển nhất định về lý luận kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tuy nhiên, thị trường chỉ được coi là một cơ chế để điều tiết nền kinh tế, chưa xác lập là một chỉnh thể, bao gồm cả cấu trúc nội tại lẫn thiết chế vận hành. Về thực chất, chưa coi kinh tế thị trường là cơ sở kinh tế của xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) chuyển từ nhận thức thị trường như một công cụ, cơ chế quản lý kinh tế sang nhận thức thị trường là một chỉnh thể, cơ sở kinh tế của xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội: “Thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội"(3)
Về cơ bản, đến Đại hội IX của Đảng, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã được định hình. Theo đó, mô hình này vừa phản ánh tính phổ quát của nền kinh tế thị trường hỗn hợp (thị trường và nhà nước), vừa mang tính “định hướng XHCN”, với những đặc trưng là: nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, có sự quản lý của nhà nước XHCN, thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở: “Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”(4).
Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và trước hết cần nắm vững định hướng XHCN. Trong đó, tính định hướng XHCN được thể hiện là nền kinh tế được xây dựng ở một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”(5). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục bổ sung và luận giải rõ hơn về nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là mô hình kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt chi phối bởi nguyên tắc và bản chất chủ nghĩa xã hội”(6).
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục hoàn thiện về nội hàm trên cơ sở gắn kết từng cấu phần “bên trong” với mục tiêu và phương thức vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “Nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(7). Đến Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục khẳng định “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(8).
Những thành tựu đáng tự hào
Việt Nam đang chứng kiến bức tranh kinh tế đầy khởi sắc, giai đoạn 1986 - 2020, mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay; và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng 46/132 nước được xếp hạng(9).
Không những tăng tốc về lượng, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chiều sâu nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này cũng được cải thiện ấn tượng. Xét trên bình diện tổng thể theo cấu trúc ba yếu tố đầu vào nền kinh tế: vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP(10) cho thấy, đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Cụ thể: Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt 45,57%, cao hơn mức 32,88% của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2021, đóng góp của TFP vào tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đạt 37,13%(11).
Thành tích ấn tượng nhất trong tiến trình đổi mới của Việt Nam được ghi nhận là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước); có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hầu hết các xã nông thôn mới đều có đường ô-tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và mạng điện thoại. Quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tỷ lệ đô thị hóa đã đạt khoảng 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả nông thôn và đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển mạnh mẽ; đã đưa vào sử dụng nhiều sân bay, bến cảng hiện đại, hơn 1.900km đường cao tốc và phủ sóng rộng rãi mạng 4G, 5G(12).
Việt Nam đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng 20 lần trong gần 40 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, Việt Nam đã mở rộng diện bảo hiểm y tế cho toàn dân, đạt mức 93,35%, trong đó, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiệm y tế miễn phí; đồng thời, tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm các nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng(13).
Công nhân lắp ráp các linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử tại Công ty TNHH Khvatec Thái Nguyên (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Yên Bình, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên_Ảnh: TTXVN
Tiếp tục hoàn thiện lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư
Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(14). Để đạt được mục tiêu đó, cần phải phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(15). Trong đó, Tổng Bí thư tập trung luận giải, nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:
Về quan hệ sở hữu. Tương ứng với quá trình vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất nước ta từng bước được xây dựng phù hợp, tiến bộ, với nhiều hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật và đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Về tổ chức, quản lý. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về quan hệ phân phối. Bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Nói cách khác, kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN có mối quan hệ chặt chẽ, không mâu thuẫn với nhau. Phát triển kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu XHCN và định hướng XHCN có vai trò định hướng cho nền kinh tế thị trường. Đây là điểm đặc sắc trong mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(16); đây là “yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(17). Đồng thời, mô hình kinh tế này cũng hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội, cụ thể:
Một là, Nhà nước đóng vai trò bảo đảm thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng của nó. Nhà nước không “làm thay” mà sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của mình để định hướng và điều tiết nền kinh tế không làm méo mó thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Hai là, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Kinh tế thị trường không phải vốn dĩ là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là kết quả của tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Alvin Toffler - nhà tương lai học người Mỹ - khẳng định: Thị trường là một mạng lưới trao đổi được ví như một tổng đài, mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ (cũng như tin tức) sẽ tìm tới nơi có nhu cầu. Do đó, nó không chỉ thuộc về tư bản, mà thiết yếu cho cả xã hội công nghiệp xã hội chủ nghĩa, cũng như bất kỳ đâu có hệ thống công nghiệp quy mô lớn gắn với động cơ lợi nhuận(18).
Ba là, xã hội là điểm nổi bật trong mục tiêu phát triển của Việt Nam, do đó Đảng Cộng sản chủ trương kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Các vấn đề xã hội không phải đi sau kinh tế, mà giải quyết tốt các vấn đề xã hội cũng chính là tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, trong cuốn sách, Tổng Bí thư còn có những bài viết quan trọng về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, như: xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp thanh niên, lực lượng công an, quân đội lớn mạnh…, đồng thời nhấn mạnh cần phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”; khơi dậy khát vọng hùng cường, thịnh vượng Việt Nam… để có thể xây dựng, phát triển thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam./.
TS NGUYỄN VĂN ĐIỂN - HÀ THỊ VIỆT THÚY
Học viện Chính trị khu vực II
--------------------
(1) Giáo trình Quản lý kinh tế (cho hệ cử nhân chính trị), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 35
(2) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 334
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 23
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 24
(5) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 25 - 26
(6) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 204 - 205
(7) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 102
(8)Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128
(9) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.030 (tháng 1-2024), tr. 10
(10) Bao gồm chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng, mức độ sẵn sàng công nghệ, phản ánh chất lượng tăng trưởng
(11) Xem: Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Văn Tùng: “Cơ cấu lại nền kinh tế: Nhìn lại giai đoạn 2016-2021 và những định hướng giai đoạn 2025 - 2030”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ngày 8-2-2022, https://kinhtevadubao.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-nhin-lai-giai-doan-2016-2021-va-nhung-dinh-huong-giai-doan-2025-2030-21290.html
(12) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.030 (tháng 1-2024), tr. 11
(13) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.030 (tháng 1-2024), tr. 11
(14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 24
(15) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 25
(16), (17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27
(18) Xem: Alvin Toffler: Làn sóng thứ ba, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1980
Gửi phản hồi
In bài viết