Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dúi của đoàn viên Triệu Tiến Duân, thôn Pác Cháng, xã Linh Phú. Đường đi khá quanh co, trắc trở vì phải qua suối, bờ ruộng. Nếu không được mục sở thị, ít ai nghĩ rằng, một chàng trai ở vùng nông thôn hẻo lánh này lại có thể xây dựng và phát triển được trại dúi lên đến 500 con. Anh Duân cho biết, cái duyên đến với con dúi của anh xuất phát từ thực tế cuộc sống. Tại nơi anh sinh sống, bà con vẫn hay đi bắt dúi rừng về làm thịt. Từ đó, anh đã nảy ý tưởng thuần hóa con vật này.
Nghĩ là làm, anh bắt đầu thu mua dúi về nuôi. Do chưa hiểu rõ kỹ thuật cũng như đặc tính của dúi, 100 con giống nuôi 1 đến 2 tháng chết hết. Không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu và quyết định tìm đến các trại dúi thuần hóa ở các tỉnh để học hỏi. Với 30 cặp dúi giống ban đầu mua ở trại, sau 5 năm, đến nay, anh đã nhân đàn lên hơn 500 con, trong đó có 200 con giống bố mẹ. Cuối năm 2021, anh mở rộng mô hình kinh tế, xây dựng trại dúi thứ 2.
Anh Triệu Tiến Duân, đoàn viên xã Linh Phú chăm sóc đàn dúi.
Trại dúi của gia đình anh Duân hiện cung không đủ cầu. Anh bảo, nuôi con dúi tiết kiệm thời gian và chi phí thức ăn. Mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần. Thức ăn của chúng là tre, nứa, mía trồng xung quanh nhà. Ngoài ra anh còn trồng thêm cỏ voi, thân cây để nuôi dúi, ngọn anh tận dụng nuôi trâu, bò sinh sản. Với mô hình kinh tế này, anh Duân có nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Trại dúi của gia đình anh là một trong những địa chỉ thường xuyên được các tập thể, cá nhân đến tham khảo, học tập.
Tại xã Kim Bình, một thanh niên được nhiều người biết đến thời gian gần đây với mô hình trồng dưa nhà màng là anh Lục Văn Thùy, sinh năm 1987. Trước khi trở thành một trong những ông chủ vườn dưa công nghệ cao, anh Thùy từng có 4 năm xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a. Với mong muốn thay đổi cuộc sống, khi trở về quê nhà, anh đã tìm hiểu mô hình nuôi thỏ xuất khẩu. Thời điểm cao nhất, trại thỏ anh có trên 200 thỏ giống và 1.000 con thỏ thịt. Trại thỏ đang trên đà phát triển, thu nhập ổn định thì dịch Covid-19 ập đến, dẫn tới thỏ không xuất được, bán rẻ như cho. Có thời điểm cho thỏ giống còn chẳng ai thèm lấy. Vậy là, trại thỏ của anh tan đàn từ đó.
Không dừng lại, anh Thùy tiếp tục góp vốn vào Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình, với vai trò Phó giám đốc Hợp tác xã, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khởi đầu là trồng dưa nhà màng. Mô hình nhà màng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình có diện tích 2.200 m2, bắt đầu đưa vào hoạt động lứa dưa Baby đầu tiên vào tháng 9 - 2021. Đến tháng 3 này bắt đầu cho thu hoạch quả. Hiện, vườn đã cho thu 2 lứa quả, bình quân mỗi lứa thu từ 3 đến 4 tạ dưa Baby. Sau lứa dưa Baby, Hợp tác xã đưa dưa lưới vào trồng. Mục tiêu trong năm nay, Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng dưa trong nhà màng ít nhất 3.000 m2.
Đoàn viên Lục Văn Thùy (thứ 2 từ trái sang), xã Kim Bình chia sẻ kỹ thuật trồng dưa nhà màng cho ĐVTN trong xã.
Khi được hỏi lý do tại sao lại chọn phát triển mô hình kinh tế công nghệ cao, chi phí đầu tư lớn, trong khi thị trường chưa ổn định, chủ yếu bán lẻ ngoài. Anh Thùy cười bảo, mình mong muốn từ khởi sướng của những người trẻ tuổi sẽ góp phần nào đó làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân quê mình.
Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa còn rất nhiều đoàn viên thanh niên với những câu chuyện khởi nghiệp như anh Duân, anh Thùy. Theo đồng chí Hà Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Chiêm Hóa, phong trào thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện trong thời gian qua khá mạnh mẽ. Hiện toàn huyện có hơn 90 mô hình phát triển kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ. Chính sự mạnh dạn, không ngại khó, ngại khổ cùng những mô hình kinh tế hiệu quả này đã khuyến khích, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Đặc biệt, tình yêu, sự gắn bó với đồng ruộng, làng quê đã góp phần mở lối tư duy mới cho thanh niên trẻ về sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết