Vận chuyển 1 bệnh nhân mắc Covid-19 lên máy bay "Medevac" của lực lượng không quân Đức Bundeswehr
tại Hamburg, ngày 28/11. (Ảnh: Reuters)
Châu Âu hiện vẫn đang là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 liên tục tăng cao trong tuần qua. Theo trang thống kê worldometers.info, châu lục này ghi nhận thêm 2.497.249 ca mắc mới cùng 26.691 ca tử vong do Covid-19 trong 7 ngày qua, lần lượt tăng 11% và giảm nhẹ 1% so với tuần trước đó.
Những con số này vẫn chiếm phần lớn số ca mắc mới và tử vong ghi nhận trên toàn cầu. Theo đó, thế giới ghi nhận thêm 3.812.422 ca bệnh (tăng 2%) và 47.936 ca tử vong (giảm 4%) trong tuần qua, trong đó châu Âu chiếm tới hơn 65,5% ca mắc mới và hơn 55,6% số người không qua khỏi.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Diễn biến dịch bệnh ở châu Âu vẫn rất đáng lo ngại khi trong số 5 nước có số ca mắc mới dẫn đầu thế giới tuần qua, châu lục này có tới 4 quốc gia góp mặt. Ngoại trừ Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với 458.179 ca mắc mới (giảm sâu 31%), 4 nước châu Âu gồm: Đức, Anh, Nga và Pháp xếp sau trong danh sách này.
Trong đó, Đức ghi nhận 403.185 ca bệnh mới tuần qua, tăng 21%; Pháp thậm chí chứng kiến số ca mắc tăng mạnh 61%, lên 193.178 ca; trong khi Nga tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca tử vong tuần qua, với 8.688 người không qua khỏi.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong bối cảnh biến thể mới Omicron lần đầu được phát hiện tại Nam Phi, châu Phi cũng chứng kiến diễn biến dịch bệnh theo chiều hướng xấu đi khi tuần qua, châu lục này ghi nhận mức tăng 40% số ca nhiễm mới với thêm 35.516 ca bệnh.
Trong đó, Nam Phi là quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, tuần qua nước này chứng kiến mức tăng tới 231% số ca mắc mới, với 11.661 ca bệnh được ghi nhận.
Mặc dù biến thể mới Omicron được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách “biến thể đáng lo ngại”, hiện vẫn chưa có các bằng chứng khoa học về việc liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn, hay gây nguy hiểm hơn đối với sức khỏe của những người nhiễm so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Omicron đã gây ra mối quan tâm toàn cầu. Hiện biến thể này đã lây lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại các châu lục trên thế giới, gồm: Bỉ, Anh, Đức, Italia, Hà Lan ở châu Âu; Israel, Hồng Kông (Trung Quốc) ở châu Á; cùng Australia ở châu Đại Dương. Trong khi đó, ở châu Mỹ, chính quyền tỉnh Ontario (Canada) ngày 28/11, cũng xác nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở thủ đô Ottawa là những người mới đây đã có chuyến đi tới Nigeria.
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm bay và hạn chế đi lại đối với các quốc gia miền nam châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron. Trong đó, hầu hết các nước châu Âu đã ngừng các chuyến bay đến từ khu vực này.
Bộ Y tế Anh cho biết, dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, nước chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), 1 cuộc họp khẩn các Bộ trưởng Y tế G7 sẽ được triệu tập vào ngày 29/11, thảo luận những diễn biễn của biến thể Omicron.
Anh dự kiến cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế mới từ ngày 30/11, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, quy định đeo khẩu trang tại các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ được áp dụng trở lại.
Tất cả người nhập cảnh vào Anh sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Trong khi đó, tất cả những người tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể mới sẽ phải tự cách ly, dù đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, ngày 28/11, nhấn mạnh, thế giới đang chạy đua để có thể hiểu hơn về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, và nếu cần có thể điều chỉnh vaccine để chống lại biến thể này. Bà Von der Leyen cũng kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để các nhà khoa học có thời gian hiểu rõ về biến thể Omicron.
Trong khi đó, bắt đầu từ sáng nay, Mỹ sẽ cấm nhập cảnh gần như tất cả công dân nước ngoài đã từng đến 8 quốc gia nam châu Phi trong vòng 14 ngày qua, bao gồm Nam Phi, đồng thời cảnh báo công dân Mỹ không nên đi du lịch đến khu vực trên.
Hành khách tại sân bay Sea-Tac ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 8/11. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, công dân nước này nếu đã từng qua các quốc gia châu Phi nói trên vẫn sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ mà không phải khám sàng lọc hoặc áp dụng các biện pháp truy vết bổ sung.
Hiện, Mỹ vẫn chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron song chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nước này, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, nhiều khả năng Omicron đã tồn tại ở Mỹ trước khi được phát hiện ra.
Thủ tướng Australia Scott Morrison, ngày 29/11, cho biết, chính phủ nước này sẽ xem xét lại kế hoạch mở cửa biên giới cho người lao động có tay nghề cao và du học sinh nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/12, sau khi Australia vừa ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron.
Kêu gọi người dân bình tĩnh bởi chưa rõ mức độ nghiêm trọng hay khả năng lây truyền và kháng vaccine của Omicron, ông Morrison cũng cho rằng, vẫn còn hơi sớm để Australia tái áp đặt quy định cách ly y tế bắt buộc trong 2 tuần đối với du khách nước ngoài.
Thủ tướng Australia cho biết thêm, ủy ban an ninh quốc gia sẽ họp vào cuối ngày hôm nay để đánh giá việc chính phủ nới lỏng hạn chế biên giới dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư.
Gửi phản hồi
In bài viết