Tiểu hành tinh sắp đi ngang qua Trái đất có sức hủy diệt hơn bom nguyên tử

Tiểu hành tinh khổng lồ đi ngang qua Trái đất vào tháng 12 có thể gây ra sức hủy diệt lớn hơn cả bom nguyên tử.


Minh họa tiểu hành tinh bay gần Trái đất. Ảnh: AFP

Science Times đưa tin, thiết bị theo dõi tiểu hành tinh của NASA phát hiện một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2018 AH đang hướng về Trái đất và có khả năng sẽ đi ngang qua Trái đất vào ngày 27.12. Nó lớn hơn tượng đài Washington với chiều dài khoảng 190m. 

Các nhà khoa học cho biết 2018 AH có thể so sánh với tiểu hành tinh đã phát nổ trên sông Podkamennaya Tunguska ở Siberia, Nga, hơn 100 năm trước vào ngày 30.6.1908. Tác động của nó được cho là lớn hơn sức tàn phá do bom nguyên tử gây ra.

Theo một bài báo của Jerusalem Post, 2018 AH đang hướng tới Trái đất nhưng không có khả năng va vào hành tinh của chúng ta. Nó sẽ bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách 4,5 triệu km. 

Đây không phải là lần đầu tiên tiểu hành tinh này đến gần Trái đất. Hãng tin Watchers của Iceland năm 2018 đưa tin, 2018 AH - mới được phát hiện năm đó - đã bay qua Trái đất ở khoảng cách rất gần là 297.000km. Để so sánh, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất là 384.000km.

Mặc dù thời điểm đó nó ở gần Trái đất hơn Mặt trăng, nhưng không được chú ý tới vì nó quá mờ đến nỗi các nhà khoa học không thể nhìn thấy. Họ chỉ nhận thấy tiểu hành tinh này 2 ngày sau khi nó tiến gần tới Trái đất.

2018 AH thuộc nhóm tiểu hành tinh phổ biến nhất - nhóm tiểu hành tinh Apollo. Nó cũng là vật thể lớn nhất bay gần Trái đất hơn Mặt trăng kể từ năm 2011.

Kể từ 2018 AH, không có tiểu hành tinh nào có kích thước như vậy đến gần hành tinh xanh. Tuy nhiên, một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2001 WNS, dài gần 1km, dự kiến sẽ bay qua Trái đất vào ngày 26.6.2028. Nhưng giống như AH 2018, tiểu hành tinh này cũng sẽ không va vào Trái đất và sẽ chỉ đi ngang qua ở khoảng cách an toàn là 249.000km.

Theo Lao Động

Tin cùng chuyên mục