Mất chữ “tín” là mất tất cả
Ông Trương Văn Học |
“Từ xa xưa, ở làng quê thôn xóm mang nặng tình tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nào có người qua đời thì xem như việc của cả làng. Mỗi người phụ giúp một tay để cùng tang quyến tổ chức tang ma. Người giúp sức, người góp tiền, người góp củi, mớ rau, cân gạo. Thôn có người Kinh và Tày chiếm đa số. Điều đáng buồn là khi người Kinh qua đời, người Kinh tự lo cho nhau, người Tày mất người Tày tự lo cho nhau. Không thể trong 1 ngôi nhà mà sống cục bộ “thân ai nấy lo” thế này được. Năm 1993, bắt đầu đảm nhiệm Trưởng thôn, tôi quyết phải phá bỏ lệ này”. - ông Học chia sẻ. Đó là việc làm đầu tiên của ông Học trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
Chi bộ thôn có 35 đảng viên. Thôn có khu dân cư: Trung Tâm, Bó Quất, Lăng Tính với 129 hộ, 552 nhân khẩu, 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, người Tày chiếm 60%, người Kinh chiếm 27% còn lại là dân tộc Nùng, Cao Lan, Thái, La Chí, Dao, Hán. Ông Học luôn quán triệt trong chi bộ, đảng viên; vận động nhân dân “Ai cũng là người Việt Nam máu đỏ, da vàng nên không được phân biệt, kỳ thị dân tộc. Bất kể trong thôn có ai qua đời, tất cả thôn đều phải xúm vào giúp đỡ, chia buồn cùng tang quyến. Ban đầu, thôn xây dựng hương ước, quy định các hộ dân khác đóng góp vật chất giúp đỡ tang ma. Sau này, thôn quy định đóng góp bằng tiền mặt, mỗi hộ vài chục nghìn. Việc làm tưởng chừng đơn giản này phải mất đến mấy năm mới thành nếp.
Ông Học luôn hành động theo phương châm, để xây dựng chữ “tín” nhanh nhất trong lòng dân đó là phải thực tâm chăm lo cho dân từ cái nhỏ nhất. Ông nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi ấy, chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa là sang giao thừa, đảng viên đang trang trí nhà văn hóa thôn thì bất ngờ nhận được tin gia đình chính sách nghèo có người mất. Được biết, gia chủ không còn đồng nào lo tang lễ, ông Học và các đảng viên vận động ủng hộ được 3 triệu đồng mua áo quan; vận động gia đình niệm người mất trước giao thừa. Ngày mùng 2 Tết, cả thôn có mặt để lo hậu sự. Sau sự việc ấy, gia chủ vô cùng cảm kích. Chi bộ, đảng viên “ghi điểm” với quần chúng nhân dân.
Trong 28 năm gắn bó với Càng Nộc, ông Học có 24 năm là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Đến năm 2017, ông Học mới xin thôi đảm nhiệm các chức danh. Năm nay ông đã bước sang tuổi 64, 37 năm tuổi Đảng. Từng là lính Cụ Hồ, được trưởng thành từ môi trường Quân đội, ông Học ngấm cái “máu” cương trực, thẳng thắn, làm việc dứt khoát. Ông đưa ra nguyên tắc cho cá nhân và tập thể chi bộ trong công tác lãnh đạo “Việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh”. Ông giữ nguyên tác phong gần dân, sát dân trong mọi việc lớn nhỏ của thôn, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân.
Nhờ có vai trò, công sức không nhỏ của người “thuyền trưởng” Trương Văn Học, Chi bộ, đảng viên thôn Càng Nộc đã tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết, nội lực của nhân dân. Qua đó, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
“Quả ngọt” của tình đoàn kết
Nhiều năm liên tục, thôn Càng Nộc đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng hạ tầng cơ sở ngày càng khang trang. Từ năm 2015 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp khoảng 1,3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn; góp sức đưa xã Hòa Phú về đích nông thôn mới trong năm 2017. Đến nay, thôn được biết đến với nhiều cái “nhất” của xã. Thôn có đường giao thông cứng hóa, có tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê” và loa truyền thanh “phủ kín” đầu tiên của xã. Càng Nộc là thôn duy nhất của xã mà người dân tự đóng góp tiền làm 2 cầu giao thông qua suối. Thôn có tổ tự quản treo cờ duy nhất của xã…
Ông Trương Văn Học, người có uy tín thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa)
giám sát việc xây dựng tuyến đường mẫu khu dân cư Lăng Tính.
Ông Học dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường kiểu mẫu tại khu dân cư Lăng Tính. Khu chỉ có 10 hộ, các hộ tự giải phóng mặt bằng khoảng 300 m2 để làm tuyến đường. Ông Ma Văn Dương, người kế nhiệm ông Học giữ chức Trưởng thôn Càng Nộc đang trộn xi măng, dừng lại hồ hởi:
- Ban đầu chúng tôi thống nhất làm kè bằng cọc tre rồi đổ đất, trồng hoa. Song để lợi ích lâu dài, chúng tôi đóng góp thêm tiền để xây kè kiên cố luôn. Hiện nay, mỗi nhà đã đóng góp 2 triệu đồng mua nguyên vật liệu, đóng góp 100 ngày công; khoảng 150 ngày công nữa là hoàn thiện. Dự kiến tuyến đường kiểu mẫu trị giá khoảng 70 triệu đồng.
Ông Học cười bảo:
- Tôi vẫn vận động đảng viên, nhân dân phải tự lực, tự cường; không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn.
Riêng năm 2021, ông Học cùng chi bộ vận động nhân dân đóng góp khoảng 150 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, khu dân cư Bó Quất làm 1 cầu bê tông qua suối trị giá 62 triệu đồng, hoàn thiện 1 tuyến đường điện thắp sáng trị giá 20 triệu đồng; làm tuyến đường kiểu mẫu tại khu dân cư Lăng Tính ước khoảng 70 triệu đồng.
Trong tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, người dân thôn Càng Nộc đã đóng góp để làm tuyến đường kiểu mẫu tại trục Quốc lộ 37 vào năm 2017. Thôn có trên 80 hộ dân sống dọc theo trục Quốc lộ 37 với trên 1 km. Thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, người dân 2 bên đường phải giải phóng mặt bằng, trả lại hành lang cho đường. Đồng thời, xã hội hóa làm vỉa hè kiên cố.
Ông Học và chi bộ đã vận động người dân khu Trung Tâm giải phóng mặt bằng chỉ trong 1 buổi sáng. Đồng thời vận động 100% hộ dân lát gạch vỉa hè bằng gạch block mặc dù chi phí cao hơn và chủ trương là chỉ cần vỉa hè kiên cố. Quá trình tiếp nhận gạch, ông Học, 100% đảng viên đã giúp đỡ các hộ dân bốc dỡ, vận chuyển gạch, xếp gạch. Có những hôm giúp hộ dân xong là 2 giờ sáng. Hộ nào khó khăn, chưa có tiền thanh toán, ông Học đứng ra bảo lãnh với đơn vị cung ứng. Cuối cùng, tuyến đường mẫu tại trục Quốc lộ 37 đã hoàn thành, người dân đóng góp trên 600 triệu để làm vỉa hè, chưa kể đến có những hộ phải bỏ thêm từ vài triệu đến vài chục triệu để khắc phục lại cơ sở hạ tầng sau khi giải tỏa hành lang.
Từ năm 2017, ông Học xin thôi đảm nhiệm các chức danh, nhưng 4 năm qua, ông vẫn gắn bó mật thiết với chi bộ, đảng viên; hăng hái khi chi bộ, nhân dân cần. Đồng chí Đặng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn bày tỏ: “Tài sản” mà bác Học dày công xây dựng và để lại cho chi ủy, chi bộ là tinh thần đoàn kết, khăng khít một lòng của mỗi đảng viên trong chi bộ; khối đoàn kết trong nhân dân các dân tộc của thôn. Sức mạnh của đoàn kết là mọi việc cứ bon bon thôi. Tôi vẫn nói với đảng viên trong chi bộ, học và làm theo Bác không xa xôi gì, hãy nhìn theo tấm gương, việc làm của bác Trương Văn Học.
Tận tâm, tận lực với nhân dân, việc gì có lợi cho dân hết sức làm, luôn luôn gìn giữ chữ “tín” với đảng viên, nhân dân - Đó là việc làm xuất phát từ trái tim mà cả cuộc đời ông Trương Văn Học bồi đắp, rèn giũa.
Gửi phản hồi
In bài viết