Tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

Mục tiêu của việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là xây dựng môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của khởi nghiệp sáng tạo, cần có hành lang pháp lý để huy động, khai thác, tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, Trung ương, từ khu vực tư nhân và nước ngoài.

Trao giải cho các đội đoạt giải tại vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2024.

Tiềm năng bứt phá trong giai đoạn chuyển mình

Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024 diễn ra ngày 27/11, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Ðạt đánh giá, sau gần 10 năm phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động đã vươn lên xếp hạng thứ 44/133 quốc gia vào năm 2024. Cũng trong năm nay, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tăng trưởng mạnh mẽ, với thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc, xếp thứ 50/133 quốc gia. Số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc, phản ánh sự cải thiện của môi trường đầu tư và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Những con số nêu trên cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang trên đà phát triển và có tiềm năng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển mình.

Sau gần 10 năm phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động đã vươn lên xếp hạng thứ 44/133 quốc gia vào năm 2024.

Sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bắt nguồn từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, và từ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương.

Dấu ấn hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với việc kiến tạo môi trường thuận lợi của một số địa phương cho sự tăng trưởng, phát triển của các công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Theo chỉ số xếp hạng của Bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024 do Startup Blink công bố, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu và đây cũng là lần đầu, thành phố Ðà Nẵng lọt tốp 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Thành công của các địa phương là đã khai thác thế mạnh đặc thù để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Với thế mạnh tập trung nhiều trường đại học trên địa bàn, vấn đề cốt lõi của Thành phố Hồ Chí Minh là kết nối hiệu quả các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà nước với nhau.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai đồng thời các chương trình, trong đó các giải pháp đều tác động trực tiếp vào việc phát triển nghiên cứu khoa học của trường đại học, viện nghiên cứu, như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu phát triển với trường đại học; chương trình thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu của các trường đại học thông qua sàn giao dịch công nghệ; thúc đẩy các trường đại học phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp, hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh…

Thành phố Hải Phòng tận dụng lợi thế có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn và nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp và nhận các “đề bài” từ tập đoàn, doanh nghiệp để các doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Thành phố Ðà Nẵng chuẩn bị nguồn lực tổng thể để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, như thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp của thành phố; thể chế hóa chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, từ sau đại dịch Covid-19, Ðà Nẵng chú trọng mở rộng hành lang kết nối đổi mới sáng tạo với Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ…, biến Ðà Nẵng thành thị trường gặp gỡ, gọi vốn đầu tư.

Theo ông Võ Ðức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Ðà Nẵng, với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu đến năm 2030 Ðà Nẵng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, là cửa ngõ quốc gia tại miền trung để kết nối khởi nghiệp sáng tạo ra toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, những nơi đã thành công mở ra cơ hội cho các địa phương khác áp dụng, học hỏi, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, linh hoạt, ứng dụng chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương.

Cần thể chế sáng tạo

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cần có thể chế sáng tạo. Khi hệ sinh thái đã trưởng thành, bước sang giai đoạn mới là mở rộng và kết nối với toàn cầu hiện nay, cần xây dựng hệ thống chính sách phù hợp với bản chất, quy mô, tiềm năng cũng như định hướng phát triển hệ sinh thái. Theo đó, cần hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, với quy định về định danh, công nhận các chủ thể trong hệ sinh thái mà không được lẫn lộn với các đối tượng khác, từ đó các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới đến được đúng đối tượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, cần sự xuất hiện thêm thành tố mới là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn với vai trò lớn trong việc đưa ra các “đề bài” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết, cũng như là nơi tiêu thụ các giải pháp, công nghệ của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.

“Cần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo mở, kết nối khu vực doanh nghiệp, tập đoàn với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, còn nếu để cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp tiếp tục phát triển tự phát theo mô hình như giai đoạn vừa qua sẽ không tạo được hệ sinh thái bền vững và không có được những “kỳ lân” công nghệ, thiếu những doanh nghiệp lớn để kết nối với hệ sinh thái quốc tế”, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm của việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia mạnh mẽ, và họ cần được kết nối với các nguồn lực vốn đầu tư, cố vấn, chuyên gia...

Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần di động trực tuyến cho rằng, mô hình khởi nghiệp sáng tạo thông qua công nghệ sẽ là đòn bẩy giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình...

Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ trên thế giới và trong nước cho thấy, để doanh nghiệp phát triển được, cần sự hỗ trợ đặc biệt và lâu dài từ Chính phủ, những ngành nghề có lợi thế phát triển cần được khuyến khích, hỗ trợ trong thời gian ít nhất 10 năm. Nhà nước có thể lựa chọn, cho phép các công ty khởi nghiệp lớn cung cấp dịch vụ trực tiếp cho Nhà nước để tạo tiền đề cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Một vấn đề quan trọng được doanh nghiệp khởi nghiệp đề xuất tháo gỡ, đó là khi doanh nghiệp phát triển theo quy mô lớn sẽ cần hợp tác với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài.

Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thiết thực như cấp visa làm việc dài hạn, giảm thuế thu nhập cá nhân, bố trí chỗ ở... để hấp dẫn các đối tác.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể tiếp cận được nguồn vốn trong nước, ngoài nước và huy động vốn từ công chúng.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục