Các trường đại học, cao đẳng và thư viện tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận sách do Tiến sĩ Võ Tá Hân, kiều bào Mỹ, tặng. (Ảnh LINH BẢO)
Với thời cơ, vận hội mới, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thu hút nguồn lực của đội ngũ trí thức ở nước ngoài hướng về trong nước là chủ trương đúng đắn của Ðảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Ðể thực hiện mục tiêu đó, Tổng Bí thư khẳng định, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt. Ðây là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt, có trách nhiệm vinh quang, cao cả.
Thu hút nguồn lực của đội ngũ trí thức ở nước ngoài hướng về trong nước là chủ trương đúng đắn của Ðảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, và gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 45 ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng và Ðảng ủy Bộ Ngoại giao, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được kết quả tích cực.
Ðảng ta xác định, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quý của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, bằng những hoạt động trí tuệ, sáng tạo, đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Từ thời kỳ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, đến giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, và trong thời điểm lịch sử hiện tại, trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn là nguồn lực quan trọng cần được khơi dậy và phát huy, để đồng hành cùng Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong nước đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Ðảng ủy Bộ Ngoại giao, các cấp ủy và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ và định hướng hoạt động của các hội trí thức người Việt Nam tại địa bàn. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang liên kết, tập hợp dưới hình thức các tổ chức hội, đoàn để phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng.
Những hội đoàn tiêu biểu có thể kể đến là Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam của Giáo sư Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (hình thành từ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức tháng 8/2018) hay Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (hình thành từ Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng do Bộ Ngoại giao và AVSE Global đồng chủ trì tháng 4/2019), Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS), Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA)...
Sự kết nối giữa trí thức người Việt Nam trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong nước và nước ngoài khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, đây là bước tiến quan trọng trong công tác thu hút nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, mở ra một hướng đi mới, không chỉ kết nối các chuyên gia, trí thức ở các nước lại với nhau để giao lưu, đóng góp về khoa học, học thuật mà còn kết nối mạng lưới trí thức kiều bào với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu trong nước.
Ðại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay, theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là các thế hệ con em của người Việt Nam ở nước sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.
Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng trí thức tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở nước sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học-công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Gửi phản hồi
In bài viết