Tân Trào bây giờ là Khu di tích Quốc gia đặc biệt, là nơi hành hương thiêng liêng của các thế hệ con dân nước Việt. Với quyết tâm đến năm 2025 xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia và đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Tân Trào trở thành khu du lịch lịch sử quốc gia có uy tín, chất lượng, nhiều hạng mục đã và đang được đầu tư xây dựng tại đây, như Khu tưởng niệm các vị tiền bối, Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; Công ty cổ phần Flamingo Red tours cũng đang đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới tại Tân Trào; dự án xây dựng Cầu Trắng 2...
Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào Hà Hữu Tiệp cho biết, người dân Tân Trào rất tự hào và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh xây dựng Tân Trào. Ở Tân Trào, việc giải phóng mặt bằng cho các công trình lớn được bà con thực hiện rất nhanh. Như dự án của Flamingo Red tours hay dự án xây dựng cầu Trắng 2 ảnh hưởng 1,15 ha... đều được bà con sẵn sàng nhường mặt bằng chỉ sau hơn 2 tháng triển khai.
Người dân xã Tân Trào mở gian hàng OCOP giới thiệu các đặc sản phục vụ khách du lịch.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thia Đỗ Thị Hậu cho biết, ngay sau khi được triển khai kế hoạch xây dựng các dự án trên địa bàn xã, gia đình bà với tinh thần đảng viên tiên phong đã giải phóng đất nhường dự án trước. Các hộ dân thấy vậy cũng học theo. Nhờ thế, ở thôn Thia, 74 hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã nhanh chóng thu hoạch nông sản, nhận tiền đền bù.
Không chỉ thay đổi hạ tầng, người dân Tân Trào cũng đang bắt nhịp với nhịp sống mới. Đồng chí Hoàng Văn Xoan, Bí thư chi bộ thôn Tân Lập - thôn trung tâm của xã Tân Trào phấn khởi vì câu chuyện “thay tư duy, đổi thói quen” của người dân thôn mình những năm gần đây. Anh Xoan cho biết, trước đây, bà con Tân Lập chỉ quen canh tác lúa nước, câu chuyện làm dịch vụ, du lịch là chuyện rất... xa xôi. Nhưng từ ngày du lịch Tân Trào phát triển, khách du lịch từ khắp cả nước đổ về Tân Trào, thì bà con cũng dần thay đổi. Từ 2 hộ gia đình đầu tiên chỉnh trang, cải tạo nhà cửa làm dịch vụ Homestay, Tân Trào giờ đã có 10 hộ gia đình cùng bắt đầu thực hiện. Những vật dụng quen thuộc từ những ngày kháng chiến, như cối giã gạo, máy xay lúa, bà con vẫn lưu giữ và trở thành trải nghiệm lý thú cho khách.
Chị Lý Thị Tư, người lưu giữ những bài thuốc bắc ngâm chân gia truyền của người Dao cho biết, khi lượng khách du lịch về Tân Trào ngày một nhiều, nhu cầu được trải nghiệm các hoạt động với người dân địa phương ngày càng đông, thì những bài thuốc bắc gia truyền của gia đình chị có cơ hội được khách thập phương biết đến cũng nhiều hơn. Rất nhiều người ngâm tại chỗ thấy hiệu quả đã đặt mua thêm để về sử dụng.
Đã gần 8 thập kỷ kể từ mùa thu tháng Tám ấy, cuộc sống mới đang dần hiện hữu trên mảnh đất này. Đi dưới trời thu Tân Trào, mới cảm nhận rõ những gì mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng reo lên “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi...”.
Gửi phản hồi
In bài viết