Năm học 2019 - 2020, dù mới "chân ướt, chân ráo" về ngôi trường mới, cô Hằng được phân công làm Tổng phụ trách Đội. Chưa có kỹ năng, kinh nghiệm, nên cô gặp không ít trở ngại. Vốn yêu nghề, mến trẻ, cô luôn khắc phục mọi khó khăn để tích cực học hỏi từ các thầy cô đi trước, trăn trở làm sao để học sinh dân tộc thiểu số thích tới trường, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, khơi gợi sự sáng tạo của các em.
Các hoạt động Đội tại nhà trường chú trọng trang bị cho học sinh kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước, xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cô Hằng đặc biệt quan tâm tới đời sống của học sinh, xây dựng các hoạt động cho học sinh giúp đỡ nhau trong cuộc sống. 2 năm là Tổng phụ trách Đội, cô Hằng đạt Tổng phụ trách giỏi cấp huyện.
Nhiều năm học qua, cô còn là Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên của nhà trường. Chỉ riêng trong 2 năm học gần đây, tổ chuyên môn có 4 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện; 13 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Cô Hằng trực tiếp bồi dưỡng 6 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
2 sáng kiến kinh nghiệm: "Phân loại hệ thống biểu đồ địa lý và kỹ thuật vẽ biểu đồ hình tròn cho học sinh lớp 9 tại trường THCS Công Đa" và "Một số kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý 9 tại trường PTDTBT TH&THCS Công Đa" của cô Hằng đều được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá xếp loại A. Cô Hằng bày tỏ, cô coi những tri thức địa lý vừa là đề bài, vừa là cơ sở để giải quyết các bài toán về định hướng phát triển kinh tế, xã hội, về quy hoạch và đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững, chung sống hòa hợp với thiên nhiên. Do đó, các tiết học của cô luôn gắn liền với trải nghiệm cho học sinh; giúp các em có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết