Các đại biểu tham dự Đối thoại. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)
Tham dự Đối thoại có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Joseph Borell; Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh Dominic Raab; Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong; Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov; Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan; và Thứ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha Francisco Andre. Đặc biệt, ba Bộ trưởng Ngoại giao: Anh, Hàn Quốc và Singapore đã dự trực tiếp sự kiện tại Hà Nội.
Đối thoại cũng có sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan chính phủ, giới học giả, doanh nghiệp và tổ chức xã hội từ 53 nước thành viên ASEM; đại diện các tổ chức quốc tế như Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về an ninh và hòa bình; Trưởng Ban Á - Âu - Trung Đông thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); và Trưởng đại diện Văn phòng Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996 - 2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm 2021. Đây là dịp quan trọng để các thành viên thảo luận về định hướng phát triển và tầm nhìn của Quan hệ đối tác Á - Âu trong giai đoạn mới, nhằm đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững ở hai châu lục và toàn cầu.
Kết quả của Đối thoại sẽ là đóng góp quan trọng cho Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13 dự kiến tổ chức trong ngày 25 và 26-11-2021 tại Campuchia.
Với mục tiêu là góp phần xây dựng một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á - Âu, Đối thoại đã tập trung thảo luận các vấn đề như: (i) Những chuyển biến lớn trong tình hình thế giới và hai châu lục; các yếu tố và xu thế mới tác động đến quan hệ đối tác Á - Âu trong thập kỷ tới; (ii) Vai trò của hợp tác Á - Âu trong giải quyết các thách thức toàn cầu, củng cố hợp tác đa phương, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; và (iii) Tầm nhìn của hợp tác Á - Âu trong giai đoạn tới.
Các đại biểu đánh giá cao những thành tựu mà Diễn đàn ASEM đã đạt được trong 25 năm qua, đồng thời khẳng định tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của quan hệ đối tác Á - Âu, đặc biệt trong một thế giới chuyển động nhanh chóng và phức tạp.
Phát biểu ý kiến tại Đối thoại, các Bộ trưởng đều khẳng định sự coi trọng đối với ASEM và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên để thúc đẩy hợp tác ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Đối thoại, nhấn mạnh việc Đối thoại đã góp phần quan trọng duy trì đà hợp tác, nhất là trong bối cảnh hoạt động của ASEM bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá những cơ hội và thách thức mà ASEM đang đối mặt, các đại biểu nhất trí cho rằng ASEM cần có một tầm nhìn hợp tác mới để đóng góp tốt hơn đối với các vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và toàn cầu, và đáp ứng nhu cầu phát triển của các nước thành viên.
ASEM cũng cần đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động hợp tác để đạt hiệu quả cao hơn và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Đối thoại. Bộ trưởng hoan nghênh những thành tựu quan trọng mà hợp tác ASEM đạt được trong 25 năm qua, đồng thời khẳng định hợp tác Á - Âu sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi sâu sắc và toàn diện do tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, các chuyển dịch địa kinh tế - chính trị, tác động đan xen phức tạp của đại dịch Covid-19 và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Hợp tác quốc tế phải đối mặt với nhiều rào cản như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, và những hành vi làm xói mòn luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác và hợp tác Á - Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. ASEM cần xây dựng tầm nhìn mới nhằm có động lực mới và sức sống mới, và đóng vai trò phù hợp trong cấu trúc khu vực và toàn cầu đang định hình.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để ASEM tiếp tục thành công, các nước thành viên cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn, hành động quyết liệt hơn, và lựa chọn hướng đi đúng đắn. ASEM cần ưu tiên những lĩnh vực đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của các nước thành viên, chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin, đóng góp thực chất vào quá trình tái định hình toàn cầu hướng đến sự phát triển bao trùm và bền vững.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề xuất ba mục tiêu lớn mà ASEM cần hướng tới là: (i) Bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, trên cơ sở đối thoại và lòng tin; (ii) Đóng vai trò tiên phong và nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm; và (iii) Tạo dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế bền vững, lâu dài, cùng có lợi giữa châu Âu và châu Á.
Đối thoại cao cấp Diễn đàn hợp tác Á - Âu đã thành công tốt đẹp với nhiều đề xuất cụ thể về định hướng hợp tác của ASEM trong thập kỷ tới để báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13.
Đối thoại một lần nữa khẳng định vai trò và những đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn ASEM, cùng với các nước thành viên xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng năng động và phát triển mạnh mẽ vì hòa bình và ổn định toàn cầu, vì thịnh vượng của hai châu lục.
Gửi phản hồi
In bài viết