Một trung tâm thương mại ở Bangkok bị đóng cửa do bùng phát ổ dịch Covid-19. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Cùng việc triển khai nghiên cứu này, một ủy ban của Bộ Y tế Thái Lan cũng được giao nhiệm vụ đánh giá xem việc một người được tiêm hai mũi vaccine bằng sản phẩm của hai nhà sản xuất khác nhau liệu có an toàn không.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Opas Karnkawinpong khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để có thể nói rằng việc tiêm mũi vaccine bổ sung có cần thiết hay không và liệu có nên sử dụng một loại vaccine của hãng khác để tiêm mũi thứ ba này hay không?
Ông nói: “Kiến thức về virus SARS-CoV-2 và vaccine được cập nhật liên tục, bởi vậy chúng tôi cần chờ cho tới khi có đầy đủ thông tin để có thể đưa ra một quyết định mới. Chúng tôi có một nhóm chuyên theo sát việc này và sẽ đưa ra quyết định phù hợp nhất đối với tình hình Thái Lan”.
Theo tiến sĩ Opas, nghiên cứu của Bộ Y tế Thái Lan cũng tương tự như một nghiên cứu do nhóm của Tiến sĩ Yong Poovorawan, lãnh đạo Trung tâm Virus học lâm sàng thuộc Trường đại học Chulalongkorn, đang triển khai.
Tiến sĩ Yong cho biết, hiện nay số ca nhiễm biến chủng Delta có nguồn gốc Ấn Độ đang gia tăng và biến chủng này có chiều hướng sẽ thay thế biến chủng Alpha có nguồn gốc từ Anh để trở thành chủng virus chính gây lây lan Covid-19 ở Thái Lan. Dẫn kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet của Anh gần đây, ông Yong nói rằng để có thể chống lại hiệu quả biến chủng Delta, một vaccine ngừa Covid-19 cần tạo được phản ứng miễn dịch ở mức tương đối cao.
Ông cho biết, nghiên cứu nói trên được tiến hành ở Scotland và kết quả cho thấy cả hai loại vaccine Pfizer và AstraZeneca đều cho thấy hiệu quả không cao trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm do biến chủng Delta gây ra.
Theo đó, sau 14 ngày sau khi được tiêm mũi thứ hai, vaccine Pfizer đạt hiệu quả bảo vệ ở mức 79% trong việc chống lại việc lây nhiễm biến chủng Delta. Trong khi đó, vaccine AstraZeneca chỉ đạt hiệu bảo vệ trước biến chủng này ở mức 60%. Còn đối với biến chủng Alpha, cả hai loại vaccine này đạt hiệu quả bảo vệ lần lượt ở mức 92% và 73%.
Tiến sĩ Young nhận xét: “Mặc dù phần lớn các ca Covid-19 hiện nay đều lây nhiễm từ biến chủng Alpha, trong vòng vài tháng tới biến chủng Delta sẽ chiếm ưu thế ở Thái Lan nhờ sự đột biến của biến chủng virus này”.
Ông cho rằng, Thái Lan sẽ phải rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng mà biến chủng Delta gây ra. Đồng thời, đối với những loại vaccine Covid-19 khác tạo phản ứng miễn dịch thấp hơn, ông đề nghị cần tiêm một mũi vaccine thứ ba để tăng cường khả năng miễn dịch trong khi chờ đợi một loại vaccine mới có khả năng đối phó hữu hiệu với biến chủng Delta. Ông nói: “Trong lúc đó, Thái Lan cần theo dõi sát sao cách thức mà các biến chủng virus Covid-19 lây lan, đặc biệt là biến chủng có khả năng lây nhiễm nhanh như biến chủng Delta”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết chỉ trong tháng 6, Thái Lan đã tiếp nhận 8,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ AstraZeneca và Sinovac, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6 triệu liều đặt ra trước đó. Ngoài ra, trong tháng tới, Thái Lan cũng sẽ tiếp nhận một lô vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca, với số lượng chưa được tiết lộ, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Thái Lan.
Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) ngày 22-6 cho biết, trong vòng 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 4.059 ca nhiễm và 35 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan đầu năm 2020 đến nay, nước này đã phát hiện 225.365 ca lây nhiễm và 1.599 ca tử vong do Covid-19 gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết