Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TTXVN)
Tại sự kiện, các quỹ đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cơ hội làm ăn đầy triển vọng tại Việt Nam; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Việt Nam nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ mọi rào cản, tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi trong tăng cường đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, đây cũng là thời điểm chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn cho tương lai phát triển xanh và bền vững. Đây cũng là thời điểm chúng ta phải tăng cường hợp tác để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát kiểm soát tốt, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Theo đó, đã đạt được một số kết quả như sau: tăng trưởng GDP đạt 8,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 700 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay: giải ngân vốn FDI đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Quang cảnh sự kiện. (Ảnh: TTXVN)
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không tăng trưởng bằng mọi giá mà đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt trên tất cả các khía cạnh của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng mong rằng, các tập đoàn của Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam trên một số lĩnh vực: cải thiện thể chế vì mục tiêu tăng trưởng xanh, các chính sách huy động, thu hút các nguồn tài chính xanh đến Việt Nam, kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh; đề xuất các chính sách cần thiết để thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nền kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; kết nối, giới thiệu đối tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tài chính xanh.
Gửi phản hồi
In bài viết