Tháng 2/2021, Chính phủ Việt Nam công bố "Quyết định số 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ Vũ trụ đến năm 2030."
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ Vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác”.
Trong Chiến lược Vũ trụ mới được phê duyệt này, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai “Đề án Tăng cường năng lực Quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao bằng công nghệ cảm biến quang học, radar, kết hợp với thiết bị bay không người lái” để từng bước thực hiện các mục tiêu đưa ra của Chiến lược Vũ trụ.
Do đó, cần thiết phải chuẩn bị một tổ chuyên gia cùng thực hiện khảo sát, nghiên cứu liên quan để từng bước xây dựng và triển khai nhiệm vụ này.
Ngay sau đó, ngày 26/2/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp với các đơn vị của Viện và các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, trong hơn 6 tháng qua, VNSC đã phối hợp với nhóm tư vấn của Nhật Bản, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để khảo sát về nhu cầu dữ liệu ảnh vệ tinh, năng lực khai thác dữ liệu vệ tinh, cũng như khả năng, nhu cầu tham gia vào quá trình phát triển vệ tinh tại Việt Nam.
Đây là nguồn tài liệu quý báu để VNSC hoàn thiện nội dung báo cáo lên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi của Đề án.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản đánh giá, với việc tận dụng các thành quả phát triển khoa học - công nghệ vũ trụ, Việt Nam đã đặt nền tảng cho chiến lược vũ trụ mới nhất để góp phần phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo đảm lợi ích quốc gia, cũng chính là phát triển kinh tế-xã hội.
Kết quả nghiên cứu do các chuyên gia của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho thấy việc phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ là phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới trong việc tận dụng ưu thế của chùm vệ tinh trong các hoạt động quan sát Trái đất.
Các nhà khoa học Vũ trụ của Nhật Bản cũng cho rằng trước xu hướng chùm vệ tinh đang diễn ra trên toàn cầu, việc phát triển vệ tinh và tận dụng dữ liệu vệ tinh theo chùm cần được thúc đẩy.
Việc sử dụng chùm vệ tinh nhỏ mang lại nhiều lợi ích như: thời gian kiểm tra lại vệ tinh ngắn hơn, chi phí phát triển và phóng vệ tinh thấp hơn, dịch vụ cung cấp bởi chùm vệ tinh được diễn ra liên tục.
Bên cạnh đó, việc phát triển chùm vệ tinh nhỏ cũng giúp tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu cùng với sự kết hợp với các cảm biến trên mặt đất phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng các ứng dụng từ các công nghệ vệ tinh mới ra khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương.
Sự kết hợp tốt nhất giữa các cơ sở hạ tầng dưới mặt đất cũng như các vệ tinh của Việt Nam với công nghệ và dịch vụ đến từ Nhật Bản là điều vô cùng quan trọng để đạt được yêu cầu kinh tế-xã hội, mở rộng khả năng ứng dụng dự liệu vệ tinh cho cả hai bên.
Các chương trình xây dựng năng lực nhiều tầng bao gồm cả việc khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực khoa học-công nghệ vũ trụ sẽ giúp hiện thực hóa khả năng tự động hóa và mở rộng lĩnh vực ứng dụng dữ liệu vệ tinh của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết