Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco đã lựa chọn được hơn 50 trại ở 10 tỉnh, thành phố để triển khai tiêm 600.000 liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi ở diện hẹp.
Dự kiến việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện từ tháng 7, đến cuối năm sẽ có đánh giá về việc sử dụng vaccine này và xem xét quyết định sử dụng trên diện rộng.
Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Cục Thú y, công ty liên hệ với các Chi cục Chăn nuôi và Thú y để có số liệu đăng ký sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên nhu cầu của các trại chăn nuôi.
Trên cơ sở các địa phương đăng ký, Cục Thú y sẽ có các cuộc họp triển khai, giám sát tiêm phòng; cách tổ chức thực hiện. Sau khi thống nhất các nội dung, công ty sẽ cùng các đơn vị triển khai tiêm vaccine và theo dõi.
Theo ông Trần Xuân Hạnh, do đây là vaccine mới, trong dự kiến kinh phí đầu năm của các địa phương không có dự toán cho loại vaccine này nên việc đăng ký mua gặp khó khăn. Các trang trại đăng ký cũng đề nghị công ty có các hội thảo thông tin cụ thể hơn về loại vaccine này. Công ty đang và tiếp tục tổ chức hội thảo tại một số tỉnh, thành phố để thông tin về loại vaccine này tới người chăn nuôi.
“Qua các buổi hội thảo, công ty cũng mong muốn thông tin, hướng dẫn kỹ lưỡng về quy trình sử dụng, bảo quản vaccine. Mặc dù vaccine tốt mà đơn vị tổ chức triển khai tiêm không áp dụng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty có khi sẽ không đem lại hiệu quả. Do đó, khâu triển khai tiêm cần phải làm cẩn trọng” - ông Trần Xuân Hạnh nhấn mạnh.
Đầu tháng 6/2022, vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco đã được cấp phép lưu hành.
Theo quy định, việc tổ chức giám sát, sử dụng vaccine sẽ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và khả năng đáp ứng miễn dịch bảo hộ; giai đoạn 2 sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vaccine trên phạm vi toàn quốc.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra rải rác ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết