Hiện nay, toàn tỉnh có 1.051 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong đó có 705 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng; 346 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.
Để kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân sử dụng vật tư nông nghiệp tại các vùng sản xuất rau, quả, chè chuyên canh và các cơ sở chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nội dung kiểm tra về các điều kiện sản xuất, kinh doanh, chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, thức ăn chăn nuôi bổ sung, giống lâm nghiệp...
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư thuốc thú y Oánh Hòa, tổ 16,
phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, sản xuất vụ xuân bắt đầu đồng thời cũng là thời điểm sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm vật tư nông nghiệp nhiều nhất, nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn bày bán trên thị trường là rất cao. Ngăn ngừa, hạn chế những tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, Chi cục sẽ thực hiện kiểm tra, lấy mẫu của tất cả các cơ sở, doanh nghiệp phân phối sản phẩm giống, vật tư, phân bón để gửi đi phân tích, xét nghiệm theo đúng quy định. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời truy xuất, xử lý tận gốc các lô hàng không bảo đảm chất lượng; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở tái phạm.
Cùng với việc kiểm tra, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tổ chức cho chủ các doanh nghiệp ký cam kết không buôn bán, kinh doanh giống, phân bón, vật tư nông nghiệp không có nguồn gốc, hàng kém chất lượng. Đồng thời triển khai mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.
Cơ sở Oánh Hòa của bà Vũ Thị Hòa, tổ 16, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) kinh doanh các mặt hàng thuốc, chế phẩm sinh học xử lý môi trường vật nuôi cho biết, để có những sản phẩm đảm bảo chất lượng, bà phải tìm hiểu kỹ xem thuốc có nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho lưu hành hay không rồi mới yên tâm nhập về. Ngoài ra, bà cũng tìm hiểu kỹ đối tượng được sử dụng thuốc, cách sử dụng, liều lượng phù hợp để hướng dẫn cho bà con sử dụng an toàn và hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi sát sao, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán giống, phân bón vật tư nông nghiệp kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết