Sau một thời gian dài chật vật với câu chuyện giá đường trong nước cao hơn cả giá đường nhập khẩu, thì nhiều giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường được triển khai. Từ việc kiểm soát chặt chẽ đường biên, hạn chế đường nhập lậu, đến việc khơi thông thị trường với nước bạn Trung Quốc. Đặc biệt là việc phòng vệ thương mại chống bán phá giá, đường nhập lậu từ phía Bộ Công Thương được triển khai quyết liệt, thì thị trường đường trong nước đã có những dấu hiệu khởi sắc từ cuối năm 2020 trở lại đây, giá bán đường tăng lên.
Người dân xã Hào Phú (Sơn Dương) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Nguyễn Việt
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã thu mua và chế biến xong hơn 50% sản lượng mía của vụ ép 2020 - 2021. Sau một thời gian gặp khó về vốn, thị trường thì cuối năm 2020, đầu năm 2021, những tín hiệu vui từ thị trường đường đã giúp doanh nghiệp bớt đi phần nào khó khăn. Chia sẻ với người trồng mía, những ngày cuối tháng 1-2021, công ty đã ra 2 thông báo điều chỉnh chính sách đầu tư, thu mua, phát triển vùng mía nguyên liệu niên vụ 2021 - 2022 đến vụ 2022 - 2023 và chính sách hỗ trợ hộ nông dân để khuyến khích trong công tác sản xuất mía. Theo đó, mía giống được đơn vị thu mua tại ruộng là 980 nghìn đồng/tấn đối với vùng nguyên liệu có cự ly dưới 30 km và 1,03 triệu đồng đối với vùng có cự ly trên 30 km; giá thu mua mía nguyên liệu được điều chỉnh là 1,1 triệu đồng/tấn, những vùng có cự ly trên 30 km được thu mua với giá 1,150 triệu đồng. Những thôn mở mới được diện tích trồng mới, trưởng thôn sẽ được nhận mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha. Ngoài ra, từ tháng 12-2020 đến khi kết thúc niên vụ mía 2021 - 2022, mỗi hộ trồng mía sẽ được hỗ trợ thêm 30 nghìn đồng/tấn.
Toàn huyện Hàm Yên hiện có hơn 300 ha mía nguyên liệu, năng suất bình quân đạt trên 60 tấn/ha. Xã Bình Xa - một trong những xã nằm trong vùng trọng điểm nguyên liệu mía, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Tuyên Quang thời kỳ hoàng kim có trên 310 ha mía, thì giờ chỉ còn hơn 100 ha. Đồng chí Hà Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Xa cho biết, ngay sau khi Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương có những chính sách điều chỉnh giá thu mua và hỗ trợ, UBND xã đã thông tin đến tất cả người dân để bà con yên tâm. Đồng thời, từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, xã đã rà soát lại toàn bộ diện tích mía đã phế canh, diện tích đất trống và cho bà con đăng ký diện tích trồng mới. Hết tháng 2-2021, Bình Xa đã có hơn 70 hộ dân ở tất cả các thôn đăng ký trồng mới 30 ha mía.
Xã Trung Hà (Chiêm Hóa) hiện cũng đang tập trung rà soát lại toàn bộ diện tích đất, diện tích mía đã phế canh để vận động nhân dân trồng mới, trồng lại. Đồng chí Chư Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết, Trung Hà hiện còn khoảng 30 ha mía. Mặc dù không phải là vùng nguyên liệu trọng điểm, nhưng với địa bàn rộng, đất sản xuất tương đối lớn, nên việc phát triển vùng nguyên liệu mía ở đây có nhiều tín hiệu khả quan. Năm 2021, Trung Hà có mục tiêu trồng mới, trồng lại khoảng 10 ha. Hiện đã có hơn 2 ha được người dân đăng ký thực hiện, và dự báo diện tích này sẽ tiếp tục tăng, khi các chính sách tăng giá thu mua tác động đến vụ thu hoạch của người dân thời điểm đầu năm.
Đồng chí Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua rà soát, diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh hiện còn 2.160 ha. Sau khi có các chính sách hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, hiện các địa phương đang tập trung rà soát lại những diện tích đã phế canh để trồng mới, trồng lại. Ông Thanh nhận định, trong năm nay, diện tích mía nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng, có thể chưa nhiều do người dân vẫn thận trọng, nghe ngóng thị trường. Nhưng để tăng hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp và phía doanh nghiệp tập trung các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người trồng mía tăng sản lượng mía, để vừa tăng thu nhập cho người trồng mía, vừa ổn định nguyên liệu cho sản xuất.
Những cam kết từ phía doanh nghiệp, những tín hiệu vui từ thị trường sẽ là động lực để ngành Mía đường Tuyên Quang khôi phục lại ngôi vị “quán quân” như trước đây. Tuy nhiên, thời vụ trồng mía rất ngắn, khoảng 25 ngày sau Tết. Hiện, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang tập trung làm việc với các xã được coi là trọng điểm nguyên liệu tại Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa để rà soát lại các diện tích có khả năng quay trở lại trồng mía và triển khai các chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm, tin tưởng vào doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết