Theo báo cáo tổng hợp của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 5 người, bị thương 11 người; so với cùng kỳ năm 2022, tăng 3 vụ, tăng 3 người chết và tăng 1 người bị thương. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT hiện nay ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, nhất là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, sang đường không chú ý quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến...
Học sinh không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông.
Đơn cử mới đây vào hồi 13h20’ ngày 5-12, cháu Nguyễn Thị C.L. (SN 2009), trú tại thôn Đồng Chùa, xã Thái Hòa (Hàm Yên) điều khiển xe đạp điện đi theo hướng Hà Nội - Hà Giang. Khi đến Km163+121 Quốc lộ 2, cháu L. rẽ sang bên trái đường để về nhà thì bị xe ô tô BKS 21B- 006.xx do anh Hoàng Tuấn H. (SN 1980), trú tại thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) điều khiển đi cùng chiều phía sau đâm phải, khiến cháu L. tử vong tại chỗ. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Đây chỉ là một trong những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra những tháng cuối năm, gây hậu quả nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, Ban An toàn giao thông tỉnh vừa ban hành văn bản số 67/BATGT-VPB ngày 8-12, về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đề nghị Công an tỉnh, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát hướng dẫn về bảo đảm ATGT trong học sinh, thanh thiếu niên.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Xét cho cùng, để giảm thiểu tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Và để làm được điều này, ngoài lực lượng Công an, nhà trường thì quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình. Các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình.
Gửi phản hồi
In bài viết