Cải cách hành chính - chìa khóa để tăng sự hài lòng
Một trong những rào cản khiến điểm chỉ số tiếp cận đất đai nói riêng và các chỉ số thành phần PCI bị đánh giá thấp là sự rườm rà, mất thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính. Sau nhiều năm tập trung, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã cơ bản đi vào ổn định. Công tác cải cách thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường đã giảm tải công việc, tiết kiệm chi phí cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, một trong những yếu tố góp phần tăng điểm chỉ số tiếp cận đất đai là tính minh bạch. Ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đã công khai tất cả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, danh mục hồ, ao không được san lấp trên địa bàn tỉnh... trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của ngành để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và nghiên cứu.
Minh bạch thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính cũng là ưu tiên của ngành Tài nguyên và Môi trường thời gian qua. Hiện đã có 95/103 thủ tục hành chính được đưa lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó số lượng thủ tục dịch vụ công mức độ 4 là 75 thủ tục.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết quy chế hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, Cục thuế tỉnh, Bưu điện tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt cho biết, thực hiện tiếp nhận đơn đề nghị trích đo thửa đất trực tuyến là “phép thử” đầu tiên để ngành Tài nguyên và Môi trường hướng đến giải quyết các công việc qua hình thức trực tuyến. Thời gian đầu cũng vấp phải những ý kiến phản đối từ người dân, khi thói quen đến tận nơi, đưa hồ sơ tận tay cán bộ đã “ăn sâu bén rễ”. Nhưng càng tham gia thực hiện, tính ưu việt của việc giải quyết trực tuyến càng được thể hiện rõ. Dần dần, 100% đơn đề nghị trích đo thửa được thực hiện trực tuyến.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai, số lượng hồ sơ sử dụng dịch vụ công từ tháng 9 – 2021 đến tháng 5-2022 là trên 19 nghìn hồ sơ. Số lượng người dân, doanh nghiệp truy cập Website của ngành cũng đạt con số gần 16 nghìn lượt/ngày, trung bình gần 24 nghìn lượt chỉ riêng trong tháng 5.
Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường đã ký kết nhiều quy chế phối hợp và đón nhận những hiệu ứng tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp.
Tháng 7-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Mục tiêu là khắc phục được rào cản về khoảng cách khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ tại các bưu điểm văn hóa xã, không cần đến nơi giải quyết; minh bạch trong quá trình thực hiện, chủ động tra cứu thông tin kiểm tra tiến độ, giám sát cơ quan giải quyết; số hóa được hồ sơ của ngành; giảm bớt chi phí đi lại; hạn chế tiêu cực phát sinh các chi phí không chính thức. Sau gần 1 năm triển khai, đến thời điểm này, đã có hơn 10 nghìn hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Trần Thế Mạnh cho biết, đây được xem là thành công bước đầu của ngành, khi những nỗ lực thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện.
Ngày 12-5-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, Cục Thuế tỉnh và Bưu điện tỉnh. Theo quy chế, các thông tin liên quan như thông báo nghĩa vụ tài chính, thu nộp các khoản nghĩa vụ tài chính... sẽ được ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thông báo thông tin 2 chiều tới người dân.
Ngay sau lễ ký kết, để đạt kết quả cao phục vụ người dân tốt hơn, có chiều sâu và mang lại hiệu quả tích cực, Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí cán bộ có đủ năng lực, nhiệt tình trong công việc để cụ thể hóa thành hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký; kịp thời thông tin 2 chiều trong quá trình thực hiện để giải quyết vướng mắc không để ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.
Tập trung chuyển đổi số
Trên thực tế, qua theo dõi, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh là chỉ số không duy trì mức tăng ổn định, mà có tính bất ổn. Cụ thể, năm 2019, chỉ số này đạt 7,08 điểm, năm 2020 giảm mạnh còn 6,14 điểm và năm 2021 tăng lên 6,73 điểm. Mục tiêu của ngành Tài nguyên và Môi trường là sẽ duy trì mức tăng ổn định của chỉ số tiếp cận đất đai trong những năm tiếp theo.
Ngoài việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, thì một trong những giải pháp trọng tâm của ngành thời gian này là tập trung vào nhiệm vụ chuyển đổi số. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt, ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đang chạy thử nghiệm song song 2 phần mềm ILIS do VNPT cung cấp và phần mềm VBDLIS do Viettel cung cấp. 2 phần mềm này sẽ vận hành cơ sở dữ liệu đất đai liên thông với một cửa điện tử, dữ liệu ngành thuế, dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, tận dụng tối đa dữ liệu dân cư có sẵn, tăng khả năng tiếp cận thông tin đất đai của người dân, doanh nghiệp; tối ưu hóa quy trình và thời gian thực hiện các thủ tục liên quan của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngành cũng đang đề xuất xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, tất cả các dữ liệu về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường sẽ được công khai lên hệ thống và kết nối với trung tâm dữ liệu của tỉnh, chia sẻ công khai để người dân, doanh nghiệp, tổ chức khai thác, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài ra, ngành Tài nguyên và Môi trường công khai đường dây nóng, xây dựng trang Fanpape của Sở qua mạng xã hội để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ phải trả lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần; xử lý nghiêm cán bộ cố tình nhũng nhiễu...
Như khẳng định của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt, chỉ có chuyển đổi số nhanh và mạnh mới bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, cùng với tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính quyền số và góp phần tích cực vào cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết