Niềm mong mỏi của người dân
Kháng Nhật nằm men theo chân dãy núi Tam Đảo địa hình nhiều đồi núi dốc. Những dòng suối thường ngày nước chỉ đến mắt cá chân bỗng trở nên hung dữ sau mỗi trận mưa lớn. Người dân thôn Lẹm, xã Kháng Nhật mong mỏi một cây cầu bắc qua suối để người dân đi lại bớt khó khăn hơn.
Niềm mong đợi đã trở thành hiện thực khi Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn được triển khai. Cầu Bảy Hào bắc qua suối bằng bê tông cốt thép, dài 16m đã được hoàn thành trong sự vui mừng của hàng trăm hộ dân. Theo ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật, cầu Bảy Hào được đầu tư xây dựng mạng lại nhiều thuận lợi cho địa phương. Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cây cầu còn giúp vận việc vận chuyển nông, lâm sản thuận tiện hơn. Từ đây người dân có thể giao thương với các xã Hợp Hòa, Thiện Kế, thị trấn Sơn Dương.
Cầu Bảy Hào, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.
Để cây cầu sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng việc giải phóng mặt bằng được xã thực hiện nhanh chóng. Toàn bộ các hộ có đất canh tác nằm trên phạm vi thi công cầu đều đồng thuận hiến đất, tiêu biểu có hộ ông Dương Minh Hà hiến 200 m2 đất, chặt bỏ 150 cây keo 3 năm tuổi; hộ bà Vũ Thị Thìn hiến hơn 110 m2 đất, chặt bỏ hơn 100 cây keo 3 năm tuổi. Ông Dương Minh Hà chia sẻ: “Đất canh tác thì ai cũng cần nhưng vì lợi ích chung gia đình tôi sẵn sàng hiến để con em mình, người làng, xã có cầu, đường đi lại thuận tiện hơn”.
Cùng chung niềm mong mỏi một cây cầu bê tông giúp việc di chuyển qua suối được thuận tiện hơn, 13 hộ dân thôn Làng Đài 1, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) đã từ nguyện hiến hơn 3.000m2 đất sản xuất, tạo điều kiện để đơn vị thi công sớm hoàn thành cây cầu. Ông Hoàng Đức Tôn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Làng Đài 1 cho biết, thôn có 15 hộ sống bên kia suối phải làm cầu gỗ để đi lại, hầu như năm nào thôn cũng phải huy động người dân làm lại cầu do mưa lũ cuốn trôi. Di chuyển khó khăn, hàng hóa nông, lâm sản thường bị thương lái ép giá, đời sống người dân khó khăn. Khi tỉnh có chủ trương làm cầu bê tông bắc qua suối nhưng không có tiền đền bù, thôn đã vận động các hộ dân 2 bên bờ suối hiến đất làm cầu. Hiện cây cầu đang được thi công, dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu tháng 6 tới.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 38 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Trong đó, huyện Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa mỗi địa phương 6 cây cầu; thành phố Tuyên Quang 2 cây cầu. Hiện nay, các nhà thầu đang khẩn trương thi công, cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ 38 cầu trước ngày 20-7 tới.
Bảo đảm đúng tiến độ
Ông Lê Cảnh Hiền, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng cho biết, Công ty chịu trách nhiệm thi công 36/38 cầu, trong đó toàn bộ 38 cầu sử dụng dầm công nghệ sản xuất bằng bê tông siêu tính năng (UHPC) do công ty sản xuất. Hiện công ty đang triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca kíp để sớm hoàn thiện các cây cầu, đảm bảo chất lượng. Toàn bộ dầm cầu được đúc tại xưởng của công ty và vận chuyển đến điểm lắp ghép, tuy nhiên hiện nay một số cây cầu được xây dựng tại các thôn vùng xa, nơi bất lợi về giao thông việc vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển, xây dựng cầu đúng tiến độ đề ra.
Cầu dân sinh tại thôn Cả, xã Minh Thanh (Sơn Dương) đang được khẩn trương thi công.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình cầu. Ông Phạm Thế Toàn, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng, người trực tiếp giám sát thi công 6 công trình cầu trên địa bàn huyện Sơn Dương cho biết, ngay từ khi triển khai dự án, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, khẩn trương thi công cầu. Đến nay, công trình cầu Bảy Hào, xã Kháng Nhật đã hoàn thành 90% khối lượng công, các cầu cây còn lại đang thi công mố, đường cánh, cọc khoan nhồi. Dự kiến các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6 - 2022.
Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh, mục đích chính của dự án là hoàn thiện hệ thống giao thông, nâng cao đời sống của người dân ở các khu vực khó khăn. Đa phần các cầu đều được xây dựng tại vị trí mới, gồm các hạng mục cầu và đường dẫn, do vậy sẽ đi qua nhiều đất của người dân nhưng dự án không có tiền đến bù giải phóng mặt bằng. Để tạo mặt bằng, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất xây cầu. Hiểu được lợi ích của những cây cầu mang lại, các hộ đã đồng thuận hiến đất, bàn giao mặt bằng. Hiện các khó khăn đã được khắc phục, toàn bộ 38 cầu đã được các nhà thầu đồng loại thi công, Sở đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ.
Các công trình có quy mô nhỏ, giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần giảm nghèo, tạo bứt phá hơn đối với sự phát triển của các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết