Đưa dự án thủy điện sông Lô 7 vào sản xuất
Dự án thủy điện Sông Lô 7 tại xã Yên Phú, Minh Dân (Hàm Yên) có công suất 36 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.490 tỷ đồng; sản lượng điện trung bình hàng năm 163,6 triệu KWh.
Thời điểm này, dự án đang thi công “nước rút” phấn đấu đến hết tháng 4 cơ bản hoàn thành và tháng 5-2023 có thể hòa vào điện lưới quốc gia. Vậy nên, thời điểm này trên công trường thi công luôn bố trí 150 lao động; thiết bị, máy móc được tăng cường, với 7 máy xúc, 10 xe ô tô tải và xe chở bê tông, 2 cẩu tháp. Đối với một số hạng mục do yêu cầu về tiến độ, như: Nhà máy, đập tràn, đập dâng, trạm biến áp đường dây 110 kV đấu nối thủy điện Sông Lô 7 với hệ thống điện quốc gia, việc thi công được thực hiện 3 ca và không có ngày nghỉ. Anh Giàng A Hụ, phụ trách kỹ thuật thi công xây dựng nhà máy thủy điện Sông Lô 7 chia sẻ: Do yêu cầu về tiến độ, đòi hỏi tăng cường thời gian thi công nên những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thứ bảy, chủ nhật công trường vẫn thi công các hạng mục kỹ thuật, người lao động đều tích cực tham gia làm việc, với mong muốn hoàn thành công trình vượt tiến độ đề ra.
Thi công trạm biến áp đường dây 110 kV đấu nối thủy điện Sông Lô 7 với hệ thống điện quốc gia.
Phấn đấu đưa nhà máy vận hành sản xuất ngay trong tháng 5, về trước kế hoạch 6 tháng so với dự kiến ban đầu nên tiến độ được đẩy nhanh từng ngày. Anh Bàn Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Lô 7 cho biết: Đến ngày 20-3, đơn vị đã thi công đạt 94% tổng khối lượng dự án, tương đương với trên 1 nghìn tỷ đồng. Nhà máy đã hoàn thành lắp đặt côn xả lắp, đặt tổ máy H1, H2, H3 và một số ống thiết bị chôn sẵn; phần cố định tổ máy H1, trạm biến áp tủ bảng điện; nắp áp lực tổ máy H2, H3. Hiện đang tập trung thi công khớp nối tổ máy H1, gia công vỏ Stator, lắp đặt hệ thống ống nước kỹ thuật, thiết bị chôn sẵn 3 tổ máy; thực hiện nạo vét vùng hạ lưu theo quy định. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu giữa quý II-2023 tích nước lòng hồ và phát điện tổ máy số 1; cuối quý II phát điện tổ máy số 2 và cuối quý III-2023 sẽ phát điện tổ máy số 3.
Nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ đem lại doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động và nộp ngân sách khoảng 25 tỷ đồng/năm.
Tăng nguồn lực
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch, trong đó có 4 dự án thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 444 MW là: Nhà máy thủy điện Tuyên Quang công suất 342 MW, Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa công suất 48 MW thuộc lưu vực sông Gâm; Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A công suất 27 MW, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B công suất 27 MW thuộc lưu vực sông Lô.
Sử dụng nguồn nước thay vì các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, các dự án thủy điện giúp giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hàng năm, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn đảm bảo vận hành sản xuất an toàn, ổn định, thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt, đóng góp một phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và ngân sách tỉnh, tạo việc làm cho gần 300 lao động trên địa bàn tỉnh. Tính trong năm 2022, các dự án thủy điện đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 860 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 360 tỷ đồng. Quý I - 2023 đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp 154 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 46 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân thị trấn Na Hang (Na Hang) nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có thu nhập cao.
Dự án Thủy điện Tuyên Quang là một trong những công trình trọng điểm Quốc gia. Nhà máy thủy điện Tuyên Quang khai thác nước trên dòng chính sông Gâm có công suất lắp máy lớn nhất (342 MW, lưu lượng lớn nhất qua nhà máy là 750 m3/s). Ngoài việc phát điện, nhà máy còn đảm bảo phòng chống lũ cho tỉnh Tuyên Quang, tham gia giảm lũ đồng bằng sông Hồng, đồng thời đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh và các tỉnh hạ du. Lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng gần 9.000 ha, cùng với 99 ngọn núi trùng điệp, cảnh quan rất đẹp, không khí trong lành. Mỗi mùa đều có những vẻ đẹp riêng và thơ mộng, là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Vùng mặt nước rộng lớn tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời giúp điều hòa không khí và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đưa các dự án thủy điện đang xây dựng vào hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp gỡ khó, tạo điều kiện để các chủ đầu tư thi công, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án đã được UBND tỉnh giãn tiến độ hoặc được cơ quan tham mưu đang đề xuất cho giãn tiến độ là: Nhà máy Thủy điện Yên Sơn; Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1, 2. Cùng với đó, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện Nậm Vàng 1, cho chủ trương nghiên cứu khảo sát Dự án Thủy điện Sông Lô 9A, 9B.
Nguồn lực từ các dự án thủy điện mang lại đang tạo đà để tỉnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết