Tăng tính định lượng khi đánh giá công chức

- Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trong đó có nội dung đánh giá công chức dựa trên kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm; mức độ đáp ứng yêu cầu công việc và đạo đức công vụ. Kết quả làm việc sẽ được đo lường bằng số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm (Key Perfomance Indicator - KPI). Chủ trương này đang thu hút sự quan tâm, đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân.

Lâu nay, ở nhiều nơi, việc đánh giá công chức phần lớn mang tính định tính, còn thiếu cơ chế linh hoạt để sàng lọc, thay thế những công chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, vẫn còn không ít nơi còn tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, còn tư duy “chỉ có vào, không có ra”, “biên chế suốt đời”.

Nếu áp dụng hệ thống đánh giá công chức theo KPI sẽ là giải pháp căn cơ và phù hợp với xu thế quản trị hiện đại và phù hợp với thời điểm hiện nay, khi Đảng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng bộ máy Nhà nước 2 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với yêu cầu mới về đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không còn chỗ cho những cán bộ, công chức yếu kém về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Vì vậy, việc áp dụng hệ thống đánh giá công chức theo chỉ số đo lường KPI là cần thiết để đánh giá công chức một cách khách quan, minh bạch, tăng tính định lượng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp với đặc thù từng ngành, từng cấp và từng địa phương.                

   Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục