Tăng tốc sản xuất công nghiệp

- Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức sản xuất với những quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, lấy lại đà tăng trưởng, cũng như đón đầu cơ hội mới trong những tháng cuối của năm 2021.

An toàn sản xuất là yêu cầu hàng đầu

Ghi nhận tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra tương đối ổn định, không bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh 

Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khó khăn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 dù phải gia tăng đáng kể chi phí cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch nhưng các doanh nghiệp đều quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2021.

Công nhân Công ty TNHH Tam Cửu tăng tốc sản xuất đáp ứng các đơn hàng.

Với phương châm vừa chủ động phòng dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, với 130 người lao động, trong đó có 12 lao động người nước ngoài làm việc liên tục trên dây chuyền sản xuất khép kín, công tác đảm bảo an toàn, phòng dịch được Công ty TNHH Tam Cửu đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Tam Cửu cho biết, công ty đã thành lập Tổ An toàn Covid-19 và xây dựng các phương án phòng chống dịch để không bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Người lao động trong công ty thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ đã tạo tâm lý yên tâm để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch cũng đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 10 tháng năm 2021, công ty sản xuất gần 35 nghìn tấn quặng sắt vê viên, doanh thu gần 57 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm; tạo thu nhập ổn định cho người lao động với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Tăng tốc phục hồi sản xuất

Với lợi thế “vùng xanh” và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, các doanh nghiệp đã yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Nhiều doanh nghiệp ngoài việc hoàn thành các đơn hàng của mình, còn nhận thêm các đơn hàng của các doanh nghiệp ở những tỉnh vùng dịch để sản xuất là cơ hội để gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Một số doanh nghiệp đã có kết quả sản xuất kinh doanh trong 10 tháng đạt và vượt kế hoạch năm như Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 đã hoàn thành 13,5 triệu sản phẩm, đạt 150% với kế hoạch năm; Công ty May Yên Sơn đã sản xuất 930 nghìn sản phẩm, đạt 155% kế hoạch năm; Công ty TNHH MSA-YB đã sản xuất trên 1,8 triệu sản phẩm, đạt 92% kế hoạch năm; Công ty cổ phần Chè Sông Lô sản xuất 2,2 nghìn tấn chè, đạt 97% kế hoạch năm; Công ty cổ phần Giấy Tuyên Quang sản xuất 2,8 nghìn tấn sản phẩm, đạt 115% kế hoạch năm...

Công nhân Công ty TNHH MSA-YB sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 những ngày này hoạt động hết công suất. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 cho biết, nhờ các đơn hàng của các doanh nghiệp trong vùng dịch chuyển sang mà công nhân của doanh nghiệp gần như làm không hết việc. Lượng hàng sản xuất trong 10 tháng của doanh nghiệp đạt 13,5 triệu sản phẩm, tăng 150% so với kế hoạch năm, lượng hàng xuất khẩu đạt gần 10 triệu sản phẩm, tăng 123% so với kế hoạch năm. Dự kiến trong 2 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ sản xuất thêm 2,5 triệu sản phẩm. Để đáp ứng đơn hàng gia tăng từ nay đến cuối năm, cùng với duy trì ổn định sản xuất, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm, khuyến khích người lao động làm thêm giờ để tăng sản lượng sản phẩm, đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác.

Trong khi đó, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như gạch, giấy, bột giấy, gỗ, bột Barit... Ông Nguyễn Mạnh Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Phát Tuyên Quang chia sẻ, công ty chuyên sản xuất gạch xây dựng, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao, vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhu cầu xây dựng của thị trường sụt giảm, sản phẩm sản xuất ra bị tồn kho nhiều. Ngoài ra, công ty còn phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn các tỉnh bạn... Hiện công ty cũng đang tập trung tìm kiếm thêm các thị trường mới, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm gạch để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất và ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động của công ty.

Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phục hồi theo chiều hướng ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã duy trì sản xuất hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, chè, da giày. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 10 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 136,2 triệu USD, đạt 100,2% kế hoạch năm, tăng 146,4% so với năm 2020.

Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.777 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu, ngành Công thương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp và tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm và phương án sản xuất an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục