Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nông dân Việt Nam và doanh nghiệp được coi như ba đỉnh của tam giác để phát triển ngành nông nghiệp (ảnh minh họa)
Xây dựng chương trình phối hợp chặt chẽ
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất 12 hoạt động mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể hợp tác để cùng bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm: tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; bảo vệ môi trường nông thôn; đề xuất các chính sách về tam nông, giám sát sử dụng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản và chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Một đất nước muốn phát triển phải có 3 đỉnh tam giác là nhà nước, thị trường và xã hội”. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được coi là đỉnh một, đỉnh thứ hai là doanh nghiệp và đỉnh thứ ba là nông dân mà tiêu biểu là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể đi một mình được vì bản thân nông nghiệp là chuỗi ngành hàng, bị tác động bởi tâm lý xã hội nông thôn, tâm lý người nông dân... Chúng ta ngồi ở đây mà không hiểu nông dân nghĩ gì thì mọi chiến lược đều không thành công.
Ông cũng lý giải vì sao các hội nghị/lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân không hiệu quả. Đó là vì các lớp đào tạo nghề cho nông dân quá chú trọng đến kỹ thuật. Cán bộ tập huấn cũng không nói bằng giọng của nông dân, cảm xúc của nông dân.
“Chúng ta phải nói bằng ngôn ngữ như ông bà của chúng ta thường sử dụng, nó tạo cho ta cái gì đó thật thà, dung dị. Chứ chúng ta không nên nói những thuật ngữ quá hàn lâm và cao siêu như 'chuyển đổi số', nông dân rất khó nghe, khó hiểu và rất khó tương tác”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc chiều 16/8.
Tạo động lực để phát triển tam nông
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 6 hoạt động cụ thể để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân tập trung phối hợp trong giai đoạn tới. Đầu tiên là vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể theo kết luận của Bộ Chính trị.
“Trước mắt, chúng ta không cần làm dàn trải mà vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội sẽ cùng nhau vận động nông dân đăng ký tham gia xây dựng mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi. Trước mắt, ưu tiên triển khai tại 11 tỉnh, 75 huyện và hơn 100 xã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đã nêu ở trên, lấy đó làm kinh nghiệm để triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôn và Luật Thủy sản, chúng ta phải chứng nhận mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của nông dân.
Thứ ba, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Hội Nông dân cần tham gia hỗ trợ các lớp huấn luyện nông dân để nâng cao năng lực cộng đồng. Từ đó người nông dân đúng nghĩa là chủ thể của nông thôn mới. Nội dung các lớp tập huấn bao hàm cả nội dung dạy nghề, dạy kiến thức tổng quan về lập kế hoạch sản xuất, phân tích thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh...
Thứ tư, hai bên cần phối hợp tổ chức chung các diễn đàn liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thứ năm, cần tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân tử tế, người nông dân thông minh. Trong đó, xác định tiêu chí đánh giá cụ thể, thí dụ, người nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải chia sẻ với cộng đồng, tham gia kinh tế tập thể,...
Gửi phản hồi
In bài viết