Anh Nguyễn Việt Lâm (xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với vườn dưa lưới nhà kính.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng công nghiệp còn nhiều rào cản, khó khăn.
TRƯỚC đây, 4ha chè của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương) chỉ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch, rồi đốn cành, tạo tán chờ lứa chè Xuân. 5 năm trở lại đây, gia đình anh ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè.
Nước từ các van xoay phun mưa đều trên lá, trên luống chè như mưa tự nhiên. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với thời điểm ít mưa, mùa khô, chè trồng trên nương, đồi cao, giúp người trồng có thể chủ động về nước cũng như quá trình sinh trưởng của cây.
Diện tích chè nhờ được tưới phun mưa cho năng suất đạt 90-100 tấn/ha/năm, tăng 20% năng suất; tiết kiệm 30% lượng nước tưới; giảm 30% chi phí chăm sóc, chủ động được thời gian bón phân, phun thuốc; chất lượng chè tốt và ổn định, cây chè cho thu hoạch quanh năm. Chè trái vụ nên giá bán cao hơn.
Xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn là “vựa bưởi” ở Tuyên Quang. Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, xã có gần 1.000ha bưởi, tập trung ở các thôn Soi Hà, Soi Đát, Đô Thượng 6, Vân Giang, Đồng Cày...
Để cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, nhiều hộ đã ủ phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Đặc biệt, với xu thế phát triển nông nghiệp sạch như hiện nay thì dùng phân hữu cơ càng có nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra sản phẩm sạch, ít lạm dụng phân bón hóa học, từ đó giúp nuôi dưỡng, bảo vệ lâu dài môi trường đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Vườn bưởi hơn 7ha của anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân đã áp dụng tưới phân bón hữu cơ tự làm khoảng 2 năm nay. Hiện, vườn có sự khác biệt rõ rệt, lá bưởi xanh đậm hơn, cây có sức sống và cho quả to hơn trước. Anh Yên chia sẻ, việc dùng nhiều phân hóa học khiến đất ngày càng bạc màu, dẫn đến hiện tượng cây bưởi bị bó rễ.
Được hướng dẫn kỹ thuật, anh đã ủ thành công loại phân hữu cơ đủ chất dinh dưỡng và không có mùi hôi. Mỗi lần ủ 30 thùng, mỗi thùng khoảng 50 lít phân hữu cơ đậm đặc với nguyên liệu là nguồn rác hữu cơ vườn nhà. Một thùng có thể pha được 300 lít nước phục vụ tưới 300 cây bưởi trong 3 tháng mà không cần dùng thêm phân hóa học.
Hiện nay, vườn bưởi gia đình anh Yên đang cho chất lượng quả tốt. Bưởi loại A nặng từ 2,2 đến 2,4kg/quả, còn loại trung bình đạt 1,8kg, với giá bán 23 nghìn đồng/kg, mỗi quả bán được từ 40-55 nghìn đồng. Vụ bưởi năm 2022, anh Yên thu về trên 300 triệu đồng.
Đến nay, ở xã Xuân Vân, nhiều hộ gia đình đã tự ủ phân hữu cơ để chăm bón cho cây trồng. Việc những nông dân như anh Yên chủ động, sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi hướng chăm sóc tạo ra sản phẩm chất lượng, năng suất cao, không chỉ giúp nâng cao thu nhập gia đình, mà còn góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống 15%.
Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Tuyên Quang đã có 172 đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia được tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động nghiên cứu khoa học còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); trà đậu đen xanh lòng, bánh gai, lạc Chiêm Hóa; chè xanh Trung Long (Sơn Dương), chè Shan (Na Hang)...; đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”; xây dựng và phát triển nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); lựa chọn được giống lạc đặc sản L14 phù hợp với địa bàn huyện Chiêm Hóa; thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhân giống trâu ngố, cá Anh Vũ đặc sản quý hiếm bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo...
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững.
Nhiều sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và nhiều tỉnh, thành phố bày bán, được khách hàng đón nhận và sử dụng như: Dầu lạc Trường Thịnh (Sơn Dương); Chè đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa); Mật ong Phong Thổ của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang); Bún khô Đà Vị của Hợp tác xã Nông nghiệp Đà Vị và Chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang)...
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng công nghiệp còn nhiều rào cản, khó khăn; thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát; nguồn kinh phí đầu tư cho các sản phẩm có thương hiệu địa phương còn hạn chế; nội dung triển khai chưa phong phú, định mức hỗ trợ một số nội dung còn rất thấp; nhiều sản phẩm chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là giải pháp then chốt, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.
Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết