Chiều 9-6, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức hội thảo phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Vai trò của khoa học và công nghệ ứng dụng phát triển doanh nghiệp; khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tầm quan trọng của tiềm lực khoa học và công nghệ thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến “Top” 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các quốc gia năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Quang cảnh hội thảo.
Trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ban hành kế hoạch chương trình thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn kết hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay chưa đồng bộ, chính sách, tài chính còn nhiều bất cập khiến cho việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Việt Dũng nêu những trăn trở trong khoa học, công nghệ: Thứ nhất, giải pháp nào để xây dựng hoàn thành các trung tâm nghiên cứu thuộc các ngành trọng điểm của thành phố, lĩnh vực khoa học cơ bản, giáo dục và xây dựng chính sách; thứ hai, giải pháp nào để thực hiện chương trình chính sách khoa học, công nghệ; thứ ba, giải pháp nào để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, trường, viện và Nhà nước.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, tập trung rất nhiều nhân lực phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Trình độ khoa học, công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cao và đóng góp ngân sách cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ. Cần tạo cú huých về khoa học, công nghệ bên cạnh thể chế vượt trội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Còn theo Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), khoa học và công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Một số vai trò chủ yếu của khoa học và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực doanh nghiệp, như: Tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới; tăng cường hiệu suất và hiệu quả; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển; cải thiện quy trình quản lý và vận hành; đổi mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ và sáng tạo để thành công trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay.
Về cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa đầu tư và cơ chế tài chính; phát triển khung pháp lý cho thị trường và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong nước và thu hút lực lượng nghiên cứu khoa học nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết