Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện xây dựng 48 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Sơn Dương, Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa triển khai 6 mô hình khuyến nông như: sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 5 ha/50 hộ tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn); mô hình trồng mít siêu sớm TL1 theo tiêu chuẩn VietGap gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 3ha/15 hộ tại xã Trung Sơn (Yên Sơn) với 50 hộ tham gia; mô hình nuôi vịt bầu đất an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 3000 con/15 hộ tham gia tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên); mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu, quy mô 6000 con với 12 hộ tham gia tại xã Hợp Thành, Kháng Nhật (Sơn Dương); mô hình cải tạo đàn dê sử dụng giống dê đực Bore, dê cái lai bách thảo theo hướng nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 100 con với 10 hộ tham gia tại xã Khâu Tinh (Na Hang); mô hình nuôi cá chép ruộng gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quy mô 300kg giống cá chép V1 với 4 hộ tham gia tại xã Trung Hà (Chiêm Hóa).
Đàn vịt được hỗ trợ của gia đình anh Bùi Thế Cường, thôn Đồng Nhật, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh triển khai hiệu quả các mô hình khuyến nông từ nguồn ngân sách của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai nhiều dự án từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương như: mô hình chăn nuôi dê sinh sản quy mô 50 con với 5 hộ tham gia tại xã Phúc Sơn (Lâm Bình), mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 350 đàn với 7 hộ tham gia tại xã Thái Bình (Yên Sơn), mô hình sản xuất sắn bền vững theo chuỗi giá trị, quy mô 5 ha với 15 hộ tham gia tại xã Tú Thịnh (Sơn Dương), mô hình chăn nuôi lợn thịt VietGap tại xã Đông Thọ (Sơn Dương), quy mô 450 con/2 hộ tham gia.
Từ những mô hình khuyến nông được triển khai tại nhiều địa phương là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng cơ hội để người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Qua đó tạo ra giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân.
Mô hình nuôi vịt bầu đất được triển khai trên địa bàn xã Bằng Cốc (Hàm Yên) là một trong các mô hình khuyến nông tạo sinh kế tiêu biểu cho người dân năm 2023. Đến nay, qua đánh giá mô hình, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 94%, trong số các hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình có trên 80% số hộ đã có vốn để tái đàn.
Hộ anh Bùi Thế Cường, thôn Đồng Nhật, xã Bằng Cốc được hỗ trợ 300 con vịt bầu đất từ mô hình để chăn nuôi. Anh Cường cho biết, đến nay, 1/2 số vịt được hỗ trợ đã xuất bán, trung bình mỗi con vịt khi xuất bán đạt từ 2kg- 2,6kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi bình quân từ 4,5 triệu đến 5 triệu/100 con vịt. Từ số tiền này, anh đã có nguồn vốn để quay vòng, mua thêm vịt giống tiếp tục tái đàn.
Đồng chí Bì Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc chia sẻ, khi thực hiện mô hình nuôi vịt bầu đất, các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin phòng bệnh, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng, kỹ thuật chăn nuôi… Đến nay, sau một thời gian thực hiện mô hình, nhiều hộ đã được bán vịt thịt, có tiền vốn để tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Mô hình đã giúp nhiều hộ dân ở các thôn mở mang kiến thức chăn nuôi vịt theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Mô hình cải tạo đàn dê sử dụng giống dê đực Bore, dê cái lai bách thảo theo hướng nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 100 con với 10 hộ tham gia tại xã Khâu Tinh (Na Hang) cũng hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm cho nhiều hộ dân. Mỗi hộ khi tham gia mô hình đã được hỗ trợ 10 con dê, trong đó có 9 con dê cái lai bách thảo và 1 con dê đực Bore, đồng thời được hỗ trợ thức ăn tinh ban đầu, tảng đá liếm, vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.
Qua đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện tại, đàn dê đang sinh trưởng, phát triển tốt, 70% dê đang trong giai đoạn sinh sản. Trong số 10 hộ tham gia mô hình, đã có một số hộ, dê đã sinh sản, hứa hẹn khả năng mở rộng quy mô đàn dê rất cao.
Người dân thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) được hỗ trợ cá chép giống để nuôi thực hiện mô hình do
Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai.
Mô hình nuôi cá chép ruộng quy mô 1 ha với 11 hộ dân tham gia tại xã Trung Hà (Chiêm Hóa) được đánh giá là một trong những mô hình khuyến nông đem lại giá trị kinh tế khá cho các hộ gia đình tại đây. Đây là mô hình chăn nuôi xen ghép với trồng lúa nên đã mang lại hiệu quả kinh tế kép. Một năm người dân có thể thực hiện được hai vụ nuôi cá chép ruộng. Trung bình mỗi vụ, một hộ có thể thu lãi từ 4,5 triệu đồng - 5 triệu đồng/sào ruộng nuôi cá chép.
Đồng chí Chư Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện mô hình này, đa số người dân mới chỉ nuôi trồng tự phát, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật một cách bài bản vào chăn nuôi cá chép ruộng. Từ mô hình này, người dân đã chia sẻ cho nhau kỹ thuật, dù thời gian thực hiện mô hình đã kết thúc, song nhiều hộ đã tự mua giống cá về thả, tiếp tục chăn nuôi và khá hiệu quả. Hiện nay, UBND xã đang đưa vào quy hoạch diện tích 2 ha nuôi cá chép ruộng gắn với trồng nếp cái hoa vàng tại thôn Bản Ba 1.
Các mô hình khuyến nông được triển khai hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần đưa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về các địa phương đúng mục đích, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết