Tạo sức bật mới cho du lịch Việt Nam: Chiến lược mới của Ai Cập

Với mục tiêu đạt 30 triệu khách du lịch vào năm 2028, Ai Cập đã triển khai một chiến lược mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện chất lượng điểm đến, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng các loại hình du lịch.

Du khách tham quan đền Luxor (thành phố Luxor, Ai Cập).

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Ahmed Issa cho biết, chiến lược nhằm khôi phục ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine bao gồm việc tăng gấp đôi số phòng khách sạn lên 500.000 phòng vào năm 2030, đầu tư vào quảng bá và cải thiện tổng thể của du khách.

Mới đây, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã công bố khởi động một dự án du lịch mới có tên gọi South Med ở bờ biển phía Bắc của đất nước với khoản đầu tư 1 nghìn tỷ bảng Ai Cập (20,76 tỷ USD). Dự án mới dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 1,6 nghìn tỷ bảng Ai Cập và 1,6 triệu cơ hội việc làm trực tiếp thông qua các ngành liên quan đến xây dựng. Chính phủ Ai Cập kỳ vọng dự án này cùng với các dự án lớn khác đang được triển khai tại thành phố New Alamein sẽ giúp thu hút du khách nước ngoài đến tham quan.

“Chúng tôi mong muốn biến bờ biển phía Bắc của Ai Cập trở thành điểm đến được nhiều cơ quan nhà nước chú trọng nhằm tối đa hóa lĩnh vực du lịch và cung cấp số lượng lớn khách sạn cũng như phòng nghỉ cho khách du lịch trong khu vực này” - Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết.

Cùng với việc triển khai nhiều dự án mới, các hướng dẫn do Trung tâm Quyết định hỗ trợ thông tin (IDSC) của nội các khuyến nghị nên tập trung hơn nữa vào việc cải thiện trải nghiệm du lịch thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch được thực hiện dưới sự phối hợp của tất cả các cơ quan liên quan. Vì 60% khách du lịch đến bằng máy bay, IDSC đề xuất chiến lược nhiều giai đoạn để tăng số lượng ghế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặt mục tiêu tăng số lượng ở từng giai đoạn.

Ông Elhami Al-Zayat, cựu Giám đốc Liên đoàn Phòng Du lịch Ai Cập đánh giá: “Liên kết du lịch với năng lực bay là một ý tưởng tuyệt vời. Bạn không thể tăng lượng khách du lịch nếu không tăng số lượng ghế trên máy bay. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý hàng không dân dụng phải có mức độ linh hoạt nhất định để cho phép nhiều chuyến bay đến hơn”. Để tăng cường chương trình du lịch, ông Elhami Al-Zayat đề xuất phát triển du lịch kinh doanh và hội nghị là một hướng đi nên phát triển để tăng cường doanh thu vào mùa đông.

Còn ông Alaa Akl, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng du lịch cho rằng, du lịch trên sông Nile là một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác để mở rộng. Tổng sức chứa của các chuyến du thuyền trên sông Nile hiện ở mức 12.000 cabin và con số này có thể tăng tăng gấp đôi lên 25.000. Bên cạnh đó, chiến lược IDSC cũng hướng tới nâng cao thị phần của loại hình du lịch du thuyền trên biển, tạo ra doanh thu ít nhất 3 tỷ USD hàng năm. IDSC kêu gọi tăng năng lực bến du thuyền, cải thiện cơ sở vật chất và dịch vụ, tăng số lượng bến du thuyền lên 23 và nâng cấp ít nhất 15 bến du thuyền thành bến du thuyền quốc tế. Các bến du thuyền sẽ bao gồm các dịch vụ tiếp nhiên liệu, bảo trì và lưu giữ du thuyền dài hạn. Khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò trung tâm trong hoạt động này. “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu này nếu không phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ để hỗ trợ, chẳng hạn như tăng không gian và cơ sở vật chất cho bến tàu. Để làm được điều này, các bộ giao thông, thủy lợi và các cơ quan chính phủ khác cần hợp tác để mở rộng các cơ sở này và đưa chúng đạt tiêu chuẩn. Điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng của một số tàu du lịch và đào tạo thêm cho nhân viên trên tàu và cầu cảng, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm thiểu nguy cơ tai nạn” - ông Alaa Akl chia sẻ.

IDSC cũng đề xuất đưa Ai Cập thành điểm đến chính trên bản đồ du lịch y tế toàn cầu và đặt mục tiêu đón 200.000 khách du lịch y tế mỗi năm, mang lại doanh thu lên tới 1,2 tỷ USD. Theo đó, khách du lịch sẽ đến bằng thị thực du lịch y tế đặc biệt và các gói có giá cạnh tranh sẽ được thiết kế cho bệnh nhân và những người đi cùng. Ai Cập cũng đang thúc đẩy công tác đào tạo nhân viên tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe để phục vụ với loại hình du lịch này. Theo các nhà quản lý, phát triển du lịch y tế sẽ giúp cải thiện lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, phát triển ngành khách sạn và du lịch, đồng thời tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn hơn.

Theo thống kê của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, nước này đã thu hút được lượng khách du lịch kỷ lục, gần 7,1 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2024. Với chiến lược mang tính tổng thể, ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 1.283,26 tỷ USD vào nền kinh tế, tương đương 8,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024, nâng tổng số việc làm lên 2,67 triệu.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục