Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật, các tầng lớp nhân dân cùng nhìn lại, hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.
Theo thông tin mới nhất, Hội thảo sẽ có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu tham dự trực tiếp gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ… Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu tại 63 điểm cầu trên 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hội thảo được chia thành 2 phiên với các nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ngoài ra là phiên thảo luận bàn tròn.
Với 60 tham luận, Hội thảo sẽ đề cập đến hai nội dung gồm: Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam (Nhận diện và làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Phân tích quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử) và Dân tộc, đại chúng, khoa học - động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững (Phân tích và làm rõ các yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay; Phân tích và đánh giá khả năng vận dụng các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của Đề cương vào thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững; Đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằm tạo động lực, phát huy giá trị của Đề cương vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững).
Theo Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Đề cương văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân.
Đảng ta đưa ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943./.
Gửi phản hồi
In bài viết