Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Với 3 dự án luật được cho ý kiến gồm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã cơ bản đủ điều kiện trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và làm thủ tục trình đại biểu Quốc hội.
Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký Quốc hội và cho ý kiến bước đầu vào Dự thảo Nghị quyết về thi đua khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập 1 thành phố, 2 thị xã, 34 phường, 11 thị trấn và điều chỉnh địa giới một số đơn vị cấp xã thuộc 10 tỉnh; Thống nhất đề nghị của Thủ tướng về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cùng danh mục mức vốn giao cho 129 dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2022 và tháng 1/2023 cũng như cho ý kiến đánh giá về kỳ họp bất thường lần 2 và 3.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, dự thảo Nghị quyết để trình ký sớm; đồng thời chuẩn bị tốt cho các công việc trước mắt và lâu dài, trong đó có chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thường vụ tháng 3.
Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng. (Ảnh: Duy Linh)
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành riêng 2 Nghị quyết.
Nội dung cần quy định cụ thể nhưng có tầm khái quát.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp nghiên cứu và làm rõ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.
Trong đó có các nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức phong trào thi đua; quy trình thủ tục bình xét thi đua gắn với đánh giá cán bộ hằng năm; quy trình thực hiện các hoạt động thi đua thường xuyên, chuyên đề; vấn đề thẩm quyền công nhận có danh hiệu thi đua…
Ban Công tác đại biểu thực hiện các công việc theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, thực hiện và hoàn thiện báo cáo đánh giá thực tiễn, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá về thủ tục hành chính, báo cáo về bình đẳng giới, thực hiện lấy ý kiến của các cơ quan, các đối tượng chịu tác động, hoàn thành các thủ tục khác theo quy định của pháp luật; đồng thời đề nghị cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để khẩn trương triển khai, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.
Gửi phản hồi
In bài viết