Làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Ðình Vũ (Hải Phòng).
Tốc độ đang chậm lại
Từ năm 2014 đến nay, hằng năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (từ năm 2014 đến 2018 là Nghị quyết 19/NQ-CP và từ 2019 đến 2021 là Nghị quyết 02/NQ-CP), tập trung vào các vấn đề về cải thiện chỉ số MTKD, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh (ÐKKD), chuyển đổi số và hệ sinh thái khởi nghiệp. Kết quả thực hiện các nghị quyết nêu trên được cộng đồng DN đánh giá đã giúp MTKD của Việt Nam được cải thiện rõ rệt thể hiện qua bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI công bố hằng năm với các chỉ số cải cách liên tục tăng điểm. Trong đó, đăng ký thành lập DN luôn là một trong những thủ tục hành chính được đánh giá cao khi đã giảm một nửa trong suốt sáu năm qua từ 12 ngày xuống còn sáu ngày; thủ tục đăng ký lại DN cũng giảm từ bảy ngày xuống còn 3,5 ngày. Việc thanh tra thuế với thời gian trung bình một DN phải bỏ ra để tiếp cơ quan thuế trong năm 2020 là tám giờ, thấp hơn rất nhiều so với 19,5 giờ trong năm 2019. Xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng là một trong những lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể chủ yếu nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý rủi ro, liên thông thủ tục hành chính và cắt giảm, minh bạch hóa kiểm tra chuyên ngành.
Với những cải cách mạnh mẽ trong nhiều năm qua đã giúp thứ hạng MTKD của Việt Nam liên tục tăng hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu. So với giai đoạn 2011 - 2015, hiện Việt Nam đã tăng 20 bậc, lên vị trí thứ 70 trên tổng số 190 nền kinh tế trong bảng xếp hạng về MTKD của Ngân hàng Thế giới (WB); tăng 10 bậc, xếp vị trí 67 trên tổng số 141 nền kinh tế trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, trong báo cáo cải cách MTKD của VCCI lại đang cho thấy, MTKD của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, tốc độ cải thiện MTKD, giải quyết vướng mắc cho DN đang có xu hướng chậm lại so với các năm trước. Các lĩnh vực cải cách bị DN đánh giá là giảm điểm so với năm trước bao gồm: thành lập DN, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng. Ðiều đáng nói, đây đều là những lĩnh vực có tốc độ cải cách được cho là nhanh và ấn tượng nhất của MTKD Việt Nam nhiều năm qua. Mặc dù Nghị quyết 02/NQ-CP đã yêu cầu tăng cường kỷ luật trong giải quyết thủ tục hành chính về xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép và thanh tra, kiểm tra không quá 50 ngày và phải áp dụng quản lý rủi ro, nhưng nhiều yêu cầu chưa được thực hiện và DN không cảm nhận được tác động tích cực từ các biện pháp này.
Tăng tính minh bạch, bình đẳng
Kết quả khảo sát của VCCI đã cho thấy, cộng đồng DN chưa cảm thấy hài lòng do các ÐKKD còn nhiều bất cập ở cấp luật nhưng các bộ, ngành chậm đề xuất sửa đổi. Một số ÐKKD quy định còn chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền tự quyết của DN. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm. Cơ chế một cửa vận hành chưa thật sự hiệu quả khi DN vẫn phải nộp kèm bản giấy cùng với bản điện tử; thiếu kết nối giữa các bộ, ngành; hệ thống công nghệ thông tin thường xuyên bị nghẽn và chưa thật sự thân thiện với người dùng để thu hút thêm người dân và DN sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định: Một trong những vấn đề nổi cộm được PCI 2020 chỉ rõ là hạn chế trong minh bạch thông tin khi còn số lượng lớn DN cho biết, cần phải có mối quan hệ để có thể tiếp cận tài liệu. Ngày càng nhiều DN phản ánh tình trạng thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là con số tổng, không có ý nghĩa để DN sử dụng. Chúng ta đã minh bạch được các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh,… nhưng việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo của Nhà nước để DN tiếp cận lại khó khăn hơn. Chúng ta cũng đã giảm được sự bất bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước, giữa DN tư nhân và DN FDI. Nhưng vấn đề rất đáng lo ngại khi tỷ lệ không nhỏ DN phản ánh có sự bất bình đẳng với các DN "sân sau". Dường như các vấn đề dễ đã được giải quyết, những việc còn lại đều là những phần khó. Như vậy, phải thẳng thắn chỉ ra rằng, những thách thức cần đặt ra với việc cải thiện MTKD trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng DN, các hiệp hội DN, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa MTKD của Việt Nam tiến lên trong bảng xếp hạng thế giới.
Các DN và chuyên gia cho rằng, cải cách MTKD Việt Nam thời gian tới cần nâng cấp lên cấp độ mới, không chỉ đơn thuần là tháo gỡ rào cản, mà phải tạo ra một MTKD minh bạch, bình đẳng, tăng cường kỷ luật thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Ðồng thời, Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục có những giải pháp mới trong tăng cường đối thoại, giải quyết khó khăn để các chương trình hỗ trợ đồng hành cùng DN thật sự phát huy hiệu quả. Ðưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc trên thực tế. Qua đó, duy trì sự ổn định và thuận lợi của MTKD, giúp các DN gia tăng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều cơ hội để DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Ðây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các DN, hiệp hội nhằm đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài trong việc cải thiện MTKD của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết