Tập trung thu hoạch vụ đông, chuẩn bị sản xuất vụ xuân

- Còn nửa tháng nữa sản xuất vụ xuân bắt đầu, trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch hết cây vụ đông, làm đất, gieo mạ bảo đảm cuối tháng 1, đầu tháng 2 cấy trà chính vụ.

Thu hoạch cây vụ đông, làm đất sản xuất vụ xuân

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 7.651 ha ngô (bao gồm cả ngô lấy hạt và ngô trồng làm thức ăn cho gia súc), tăng gần gấp đôi so với vụ đông 2019; 1.560 ha khoai lang, 3.118 ha rau xanh và đỗ. So với những năm trước, vụ đông năm nay thành công trên cả 3 phương diện, diện tích, năng suất và giá trị.

Cánh đồng thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nông dân đang tập trung nhân lực đốn chặt ngô sinh khối bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa. Phản ánh từ bà con nông dân, năm nay thời tiết rất thuận lợi, mưa đều thích hợp cho cây ngô sinh trưởng, phát triển, ước tính, năng suất đạt từ 2,3 - 2,5 tấn/sào. Như vậy, mỗi 1 sào ngô đông sau 80 - 85 ngày từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch, bà con bỏ túi 2 triệu đồng mà không cực nhọc, vất vả. Ngô đốn chặt đến đâu, trang trại chăn nuôi bò sữa thu mua hết đến đó. Ông Hà Doãn Hộ phấn khởi cho biết, vụ đông năm nay gia đình trồng 6 sào ngô, ngô vừa đẫy hạt được trang trại bò sữa Phú Lâm thu mua ngay, với giá 820 nghìn đồng/tấn. Thu hoạch vụ đông được sớm, ông Hộ thuê máy cày cho đất ải, đồng thời thu dọn tàn dư để vào sản xuất vụ xuân. 

Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra giống lúa tại đại lý kinh doanh giống,
vật tư nông nghiệp tại phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Bà con nông dân thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh; thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) đang tận thu lứa dưa đông cuối cùng và chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ sản xuất mới. Theo anh Nguyễn Bách Cường, thôn Thân Thắng, xã Tú Thịnh, canh tác cây vụ đông cũng hạn chế được rất nhiều sâu, bệnh, cỏ dại nên sau vụ đông anh chỉ cần vệ sinh qua đồng ruộng, cày, phơi ải đất ít hôm có thể vào vụ sản xuất mới.

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, hiện tại hầu hết diện tích cây vụ đông của bà con đã cho thu hoạch. Thu hoạch đến đâu bà con tập trung làm đất ngay đến đó; triển khai các biện pháp diệt thiên địch gây hại, đặc biệt là chuột. Đây là thời điểm rất thích hợp, khi cây vụ đông thu hoạch hết, chuột co cụm ở một số điểm, bà con cần triển khai các biện pháp bắt, diệt.

Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi

Vụ xuân có nền nhiệt chênh lệch lớn, đầu vụ sản xuất thường xuất hiện các hiện tượng rét đậm, rét hại; giữa vụ, thời điểm lúa đứng cái, làm đòng mưa dông xuất hiện ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thụ phấn, phơi màu của lúa.

Giảm thiểu tác động xấu từ hiện tượng thời tiết cực đoan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị bà con nông dân cần thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ cũng như cơ cấu giống. Trong đó, trà xuân chính vụ, áp dụng đối với chân ruộng trũng ven sông, suối thường bị ngập úng. Sử dụng giống lúa Iri 352, N97, J02, Nhị ưu 838, thời gian gieo mạ từ ngày 25 đến ngày 30-12-2020, cấy từ ngày 25 đến ngày 30-1, khi mạ được 3 đến 4 lá. Trà xuân muộn, áp dụng đối với những diện tích còn lại, sử dụng các giống lúa lai Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, GS9; giống lúa nếp N97 và giống chất lượng cao Bắc thơm số 7; Thiên ưu 8, KM 18, TBR 225, TBR 279, Hà Phát 3 và giống chất lượng HT1, J02, T10, Đài thơm 8, Bắc Hương 9... Gieo mạ từ ngày 10 đến ngày 20-1; cấy từ ngày 5-2 đến ngày 25-2, khi mạ được 2,5 đến 3 lá.

Đối với diện tích lúa gieo thẳng, gieo từ ngày 5-2 đến ngày 15-2; những diện tích bố trí gieo, cấy trà lúa mùa sớm để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm (ngô, lạc) cho vụ đông tiếp theo phải cấy các giống lúa thuần xong trước ngày 20-2. Các xã vùng cao của huyện Na Hang, Lâm Bình kết thúc cấy chậm nhất ngày 5-3.

Hiện thời tiết đang diễn biến xấu, liên tiếp các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đúng vào thời điểm làm mạ. Do đó, bà con nông dân phải sử dụng nilon che kín chống rét cho mạ; không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C.

Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn thông tin đầy đủ, chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ; sử dụng các giống nằm trong cơ cấu giống của tỉnh, đây là các giống lúa đã được khảo nghiệm, khả năng chống chịu cao với các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như sâu, bệnh hại trong vụ xuân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, vật tư, phân bón trên toàn địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn, bán giống nằm ngoài danh mục, phân bón không đảm bảo tiêu chuẩn ảnh hưởng đến sản xuất.                

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục