Nuôi cá lồng trên sông ở Chiêm Hóa đã có từ lâu, tuy nhiên người dân chủ yếu nuôi theo hình thức tự phát, ít kinh nghiệm, chưa đầu tư nhiều nên hiệu quả không cao. Để phát triển nghề nuôi cá lồng mang lại thu nhập cho người dân, huyện Chiêm Hóa đã quy hoạch phát triển vùng chuyên nuôi cá lồng trên sông Gâm; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án để phát triển chăn nuôi thủy sản. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi cá lồng về khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, nghề nuôi cá lồng của huyện Chiêm Hóa những năm gần đây phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản xã Yên Lập nuôi 68 lồng cá các loại.
Đến nay, huyện Chiêm Hóa có 1.208,5 ha mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản với 496 lồng nuôi. Trong đó, có 55 lồng nuôi cá đặc sản như cá chiên, cá lăng chấm và 54 lồng cá có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng nha; sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt khoảng trên 312 tấn. Để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện Chiêm Hóa khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, mở rộng thị trường tiêu thụ cá thương phẩm; nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi thử nghiệm các giống cá mới... nhằm đa dạng các loại cá thương phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng cá nuôi.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, tận dụng 5 ha mặt nước hồ thủy điện Chiêm Hóa, người dân thôn Hùng Cường phát triển chăn nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Để phát triển nghề nuôi cá lồng, năm 2019 xã khuyến khích các hộ chăn nuôi cá liên kết thành lập tổ hợp tác tại thôn Hùng Cường với 6 thành viên chăn nuôi 22 lồng cá chủ yếu là rô phi, trắm, chép...
Anh Ma Trọng Cảnh, thôn Hùng Cường, xã Hùng Mỹ cho biết, gia đình thuộc diện nghèo, năm 2019 từ vốn Chương trình 135, gia đình anh được hỗ trợ 1.000 con cá rô phi giống, lứa cá đầu gia đình anh thu lãi hơn 20 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2020 gia đình anh vay 50 triệu đồng hỗ trợ lãi suất từ nguồn vốn Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh để đầu tư phát triển chăn nuôi 4 lồng cá gồm cá rô phi, trắm, chép...
Thành lập năm 2019, Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản xã Yên Lập hiện có 25 thành viên, nuôi 68 lồng cá trắm, chép, diêu hồng, rô phi, lăng, tầm... sản lượng ước đạt 4 - 5 tạ cá/lồng/năm, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng/thành viên. Anh Đào Việt Thế, Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, các thành viên chú trọng nuôi cá theo quy trình VietGAP, bảo đảm các khâu kỹ thuật từ việc chọn cá giống, đến mật độ nuôi thả, rồi lựa chọn các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp. Năm 2021, sản phẩm cá lồng của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện xã Yên Lập đang từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng trở thành sản phẩm đặc trưng.
Nghề chăn nuôi cá lồng của huyện Chiêm Hóa mang lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm mùa mưa lũ và mùa khô, thời tiết rất thất thường, mực nước không ổn định, nhiều lồng cá không kịp di chuyển làm cá bị sặc bùn chết, gây thiệt hại cho bà con. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng người dân không đặt lồng cá ở khu vực gần đầu nguồn nước; chủ động nắm tình hình thời tiết để di chuyển lồng cá kịp thời; phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát các địa điểm có mực nước ổn định để bà con đặt lồng cá; hướng dẫn điều chỉnh mật độ nuôi và lựa chọn giống cá nuôi phù hợp theo mùa vụ; thường xuyên xử lý lồng bè, tu sửa hệ thống bể đẻ, bể ấp, tẩy dọn ao ươm cá giống... phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Gửi phản hồi
In bài viết