Theo kế hoạch ban đầu, lễ khai mạc World Cup 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 21-11. Cùng ngày nhưng ở khung giờ sớm hơn, Senegal sẽ gặp Hà Lan, trong khi Anh đụng độ Iran. Nếu giữ nguyên kế hoạch, các trận đấu này sẽ diễn ra trước lễ khai mạc của "bữa tiệc" bóng đá lớn nhất thế giới. Do đó, FIFA đã quyết định dời lịch World Cup 2022 sớm hơn 1 ngày.
Lễ khai mạc và trận mở màn World Cup 2022 diễn ra trên sân Al Bayt. Ảnh: Getty Images
Theo đó, lễ khai mạc World Cup 2022 sẽ diễn ra tối 20-11 (giờ Hà Nội), tại sân vận động Al Bayt cách thành phố Doha 40km về phía Bắc. Sân có sức chứa 60.000 người cũng là địa điểm của trận mở màn giải giữa chủ nhà Qatar và Ecuador trong khuôn khổ bảng A tối cùng ngày.
Tổng cộng 6 trận vòng bảng, 1 trận thuộc vòng 1/16 và 1 trận bán kết sẽ được tổ chức trên sân có thiết kế mô phỏng bayt al sha'ar – một loại lều được sử dụng bởi những người du mục vùng Vịnh.
Kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử
12 năm kể từ khi được trao quyền đăng cai, Qatar đã chi 300 tỷ USD cho "bữa tiệc" bóng đá lớn nhất hành tinh. Doha, thủ đô của quốc gia nhỏ bé giàu khí đốt vùng Trung Đông, đã "chuyển mình" với hệ thống sân vận động và khách sạn mới để có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 1 triệu du khách trong thời gian giải diễn ra.
Theo Bloomberg, dù còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong công tác tổ chức, World Cup 2022 dự kiến vẫn sẽ mang lại cho Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) khoản doanh thu kỷ lục, dự kiến vượt mức gần 5,4 tỷ USD tại World Cup 2018 ở Nga với khoảng 3,6 tỷ người theo dõi.
Qatar đầu tư hàng trăm tỷ USD cho World Cup 2022. Ảnh: Bloomberg
Sự giàu có của Qatar phần lớn đến từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang những bên mua chủ yếu ở châu Á theo các hợp đồng dài hạn. Nhờ giá dầu tăng mạnh, quốc gia này cũng đang tận hưởng một năm bội thu và dự kiến sẽ tạo ra thặng dư trị giá 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo S&P Global Ratings.
Năm 2016, cũng là giai đoạn bùng nổ xây dựng, Qatar đã chi 18% GDP, tương đương hơn 26 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại, cho cơ sở hạ tầng, vượt xa chi phí tổ chức các kỳ World Cup trước đó. Để so sánh, Nam Phi chi 3,3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng World Cup 2010, trong khi Brazil đầu tư 11,6 tỷ USD vào sự kiện 4 năm sau đó.
Tass cho biết, 6,5 tỷ USD là chi phí cho 8 sân vận động của World Cup 2022, trong đó sân Al Bayt tại thành phố Al Khor chiếm 847 triệu USD. Chỉ riêng Doha, khu phức hợp lưu trú "The Pearl" được đầu tư hơn 15 tỷ USD, trong khi 36 tỷ USD là chi phí cho hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố này.
World Cup của những lần đầu tiên
Lần đầu tiên trong lịch sử 92 năm, World Cup được tổ chức tại một quốc gia vùng Trung Đông. Giải trở thành sự kiện thể thao lớn nhất từng diễn ra trong khu vực, đồng thời là sự kiện toàn cầu đầu tiên chào đón đông đảo khán giả kể từ sau những hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 được áp dụng tại Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản và Olympic Bắc Kinh 2022 ở Trung Quốc.
Không giống những kỳ World Cup trước đó với các địa điểm thi đấu thuộc nhiều thành phố, toàn bộ 64 trận đấu tại World Cup 2022 sẽ diễn ra trong phạm vi khoảng 50 km tính từ trung tâm thành phố Doha. Điều này đồng nghĩa thủ đô của Qatar sẽ thu hút hơn 1 triệu du khách, chiếm khoảng 1/3 dân số quốc gia này, đến với giải đấu kéo dài 1 tháng.
World Cup 2022 là lần đầu tiên vòng chung kết bóng đá thế giới được tổ chức ở Trung Đông. Ảnh: Reuters
Khác với truyền thống diễn ra vào giữa năm, World Cup 2022 là vòng chung kết thế giới đầu tiên được tổ chức dịp cuối năm. Việc giải diễn ra trong các tháng 11 và 12 nhằm tránh thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đặc trưng của Qatar. Dù vậy, quyết định của FIFA đã gây xáo trộn lịch thi đấu của các giải châu Âu, khiến cầu thủ đối diện nguy cơ chấn thương và kiệt sức.
Thách thức di chuyển và lưu trú
FIFA cho biết, gần 3 triệu vé đã đến tay người hâm mộ hồi giữa tháng 10 vừa qua. Ngoài cư dân Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm trong số những quốc gia có người hâm mộ mua số lượng vé lớn nhất.
Là quốc gia có diện tích nhỏ nên lượng lớn người hâm mộ đến với World Cup 2022 sẽ là thách thức lớn đối với Qatar. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú, chủ nhà giải năm nay buộc phải tận dụng những nơi ở phi truyền thống như tàu du lịch, khu cắm trại sa mạc và căn hộ dịch vụ.
Theo kế hoạch, 130.000 phòng sẽ được cung cấp cho du khách nhưng nhiều khách sạn vẫn không kịp được hoàn thiện đúng thời hạn. Trong khi đó, những căn hộ ở khu vực xa dân cư cũng đặt ra nhiều câu hỏi về trải nghiệm của người hâm mộ.
Quy mô hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố Doha. Ảnh: Bloomberg
Để đáp ứng nhu cầu đi lại, Qatar cũng đã nhờ hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng. Gần 100 chuyến bay khứ hồi hằng ngày giữa Doha và các thành phố lớn khác ở Trung Đông sẽ cho phép du khách lưu trú bên ngoài quốc gia nhỏ bé này.
Dubai (UAE) đặc biệt chứng kiến sự gia tăng nhu cầu về phòng khách sạn. Chỉ cách Qatar 55 phút đi bộ, tiểu vương quốc thân thiện với khách du lịch nhờ những quy định về trang phục và văn hóa tiệc tùng ít khắt khe hơn được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Các nhà tổ chức cho biết, diện tích nhỏ của Qatar là một đặc điểm, thay vì nhược điểm. Hành trình ngắn giữa các sân vận động và những tuyến giao thông sẽ cho phép người hâm mộ đến sân theo dõi nhiều trận đấu trong ngày. Hầu hết các sân vận động được kết nối bằng phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt điện.
Thắt chặt an ninh
Hơn 1 triệu du khách đến với World Cup 2022 sẽ tạo ra những thách thức lớn về an ninh đối với Qatar. Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giải, nước chủ nhà triển khai hàng chục nghìn nhân viên an ninh, cùng với đó là hàng loạt thỏa thuận hợp tác an ninh với nhiều quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ điều động đội đặc nhiệm chống khủng bố Polis-Ozel-Harekat (POH), tàu hộ tống TCG Burgazada và 250 binh sĩ, 3.000 cảnh sát chống bạo động, cùng nhiều chuyên gia về bom và chó nghiệp vụ.
Lực lượng anh ninh của Qatar và nhiều quốc gia sẽ bảo đảm an toàn cho World Cup 2022. Ảnh: Dohanews
Pháp triển khai lực lượng cảnh sát chống bạo động, các chuyên gia về thiết bị không người lái và gỡ bom, cùng chó nghiệp vụ và đơn vị chống khủng bố.
Vương quốc Anh, quốc gia thường xuyên tập trận chung với Qatar, cũng thông báo cử các đơn vị thuộc Hải quân và Không quân Hoàng gia tham gia hoạt động chống khủng bố.
Nhằm mục đích kiểm tra mức độ sẵn sàng và khả năng đáp ứng của các dịch vụ khẩn cấp, tháng 10 vừa qua, Qatar cùng các đối tác đã tiến hành cuộc diễn tập an ninh kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 32.000 nhân viên an ninh chính phủ và 17.000 nhân viên an ninh tư nhân.
Gửi phản hồi
In bài viết