Tết đoàn viên

- Tết đến, ai cũng chung một niềm hân hoan, mong chờ được trở về đoàn tụ với người thân, gia đình. Mỗi nơi có những cách đón Tết cổ truyền mang đặc trưng khác nhau. Với những người quê ở Tuyên Quang  phải đi làm ăn, học tập ở xa thì những ngày giáp Tết lại càng nóng lòng mong được trở về để đón cái Tết ở quê hương.

Tết là dịp nhiều bạn trẻ học tập ở xa trở về Tuyên Quang đón Tết.    

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y sinh và Hóa sinh ứng dụng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là người quê ở Thái Hòa (Hàm Yên). Anh Phương cho biết, cả năm xa quê, chỉ mong có ngày Tết để trở về thăm hỏi, gặp gỡ người thân. Dù công việc bận rộn đến thế nào và Tết ở Hà Nội cũng có những thú vị riêng nhưng Tết nào anh cũng thu xếp công việc để về Tuyên Quang đi tảo mộ, thắp nén nhang, làm lễ cúng sang canh vào ngày cuối cùng của năm cũ. Theo anh Phương, ngày Tết ở Tuyên Quang, anh em trong gia đình sẽ đưa con, cháu đến nhà họ hàng để thăm hỏi, chúc Tết. Những cuộc chúc Tết như vậy càng gắn kết tình thân bền chặt.

Tết còn là những cuộc gặp của những người đi xa cả năm mới về một lần. Một số người dăm năm mới đặt chân về chốn cũ. Cảnh khác, người cũ, có lẽ vì thế mà Tết trở nên ấm áp, thắm đượm tình thân, hoài niệm bao ân tình. Tuy xa quê đã nhiều năm nay nhưng anh Phương luôn dành tình cảm hướng về Tuyên Quang. Anh đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hàm Yên, ủng hộ xây dựng nhiều công trình hạ tầng và phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao của xã Thái Hòa. Mỗi dịp được về quê đón Tết, anh Phương đều cảm thấy phấn khởi trước những đổi thay của quê hương và tự hào là người con của Tuyên Quang.

Chị Vũ Thị Thúy Nga, quê ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nhiều năm nay vào huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) lập nghiệp. Những ngày này, lòng chị Nga xao xuyến, bồi hồi khi nghĩ đến những ngày được về quê ăn Tết. Chị Nga bảo, từ khi vào miền Nam sinh sống đã chục năm nay, chị thèm được đón Tết trong cái se se lạnh của miền núi khi xuân về. Tết ở miền Nam cũng rộn ràng lắm, có hoa Mai, hoa Đào cũng đủ cả nhưng không mang nét đặc trưng như cái Tết ở Tuyên.

Ngoài đi chúc Tết gia đình, người thân, bạn bè, mọi người còn được thưởng thức các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống. Chị Nga nhớ lại những lần được đón Tết ở Tuyên Quang bên người thân thật ấm cúng. Ngày 29 Tết, mọi người đã rộn ràng chẻ lạt, rửa lá dong, đồ nhân đỗ, ngâm gạo nếp, mổ lợn để chuẩn bị gói bánh chưng. Già, trẻ trong nhà quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng từ tối đến khuya, ôn lại chuyện năm cũ. Chị Nga bùi ngùi: “Từ khi vào miền Nam, công việc bận rộn, mình cũng không có thời gian để gói bánh chưng, chủ yếu là đặt từ dịch vụ gói bánh chưng. Tết năm nay được về quê ăn Tết nhất định mình sẽ tham gia gói bánh chưng để dâng lên bàn thờ tổ tiên”. Được về quê ăn Tết, chị Nga cho biết sẽ chấp hành nghiêm chỉnh quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chị Giáp Thanh Loan hiện nay đang sinh sống tại Mỹ Đình (Hà Nội) quê ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đã 3 năm nay đón Tết xa nhà. Đối với chị Loan, đây là cái Tết thực sự ý nghĩa. Thời gian rảnh rỗi, chị Loan đã cùng gia đình đi mua sắm quà Tết biếu hai bên nội, ngoại. Dù công việc kinh doanh bận rộn nhưng chị Loan cho biết sẽ về quê trước đêm giao thừa một tuần để cùng gia đình gói bánh chưng Tày truyền thống của dân tộc.

Tết đến, Xuân về, lòng người phấn chấn khi được đoàn tụ, sum họp bên gia đình và người thân để ôn lại chuyện cũ, chúc cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Đối với những người đã và đang xa Tuyên Quang dù có đi đâu thì vẫn luôn hướng về mảnh đất quê hương với tấm lòng sắt son và cùng ước nguyện cho nơi đây ngày càng có nhiều đổi thay và phát triển.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục