Trưởng thôn người Dao Triệu Văn Huy có lẽ là người vui nhất. Anh vừa là Trưởng thôn Bản Nghiên, vừa là Giám đốc Hợp tác xã Hồng Phát. Anh bảo, từ ngày lập thôn lập bản, người Dao ở Bản Nghiên nói riêng và đồng bào dân tộc ở Tri Phú nói chung đã nghe nhiều đến sản xuất hàng hóa, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Trưởng thôn Huy khoe, mặc dù Hợp tác xã mới thành lập tháng 10 - 2020, nhưng nhờ các khâu sản xuất, tiêu thụ và quảng bá hợp lý, những ngày cận Tết Nguyên đán đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về, hàng sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Là bởi, tất cả mọi sản phẩm đều được bà con làm ra từ những sản vật quê nhà. Như mít sấy giòn được lựa chọn, chế biến từ những quả mít ta múi dày thơm nức; trà đậu đen cũng được đóng gói từ những hạt chè đỗ đen xanh lòng đặc trưng của mảnh đất quê hương. Anh Huy tự hào, sản phẩm trà đậu đen xanh lòng túi lọc của quê anh là sản phẩm đầu tiên, duy nhất đến thời điểm này có mặt trên thị trường.
Người Mông đi chợ Đạo Viện (Yên Sơn) sắm Tết. Ảnh: Cảnh Trực
Nguồn nguyên liệu không chỉ được thu mua ở Tri Phú, mà được Hợp tác xã làm việc và thu mua ở 5 xã lân cận, như Kim Bình, Bình Nhân, Linh Phú, Vinh Quang, Trung Hòa. Tất cả các sản phẩm của Hợp tác xã đều đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và sẵn sàng tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chiêm Hóa năm 2021. Khách đến nhà chúc Tết, thay vì mời nhau chén rượu nồng, người Dao ở Bản Nghiên rót mời nhau chén trà, để hương vị quê hương ngấm vào từng câu chuyện, từng dự định tương lai.
Khách cùng chủ nhà, vừa nhấm nháp những món ngon quê nhà, vừa bàn câu chuyện làm ăn cho năm mới. Người dân Tri Phú, sau nhiều năm sản xuất nông nghiệp manh mún, giờ đã trở thành những người cung cấp cho thị trường nhiều nông sản sau chế biến. Niềm vui ấy len vào những lời chúc năm mới, cùng với chúc nhau khỏe mạnh, trồng được ngô lúa đầy bồ, nuôi được con trâu khỏe, nuôi được con lợn béo, họ còn chúc nhau sớm tìm ra những sản phẩm mới, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Giống như đồng bào các dân tộc khác, người Tày ở Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn… đón một năm mới trong niềm hân hoan và chờ đón cơ hội mới. Tết với người Tày là thể hiện nét đẹp truyền thống thông qua các nghi lễ hát Then, các trò chơi dân gian, để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Từ khi thực hành Then của đồng bào Tày Nùng Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hàng trăm Câu lạc bộ hát Then đàn Tính đã được thành lập ở khắp các thôn bản. Thành viên cũng có đủ, từ người già đến người trẻ, cả nam và nữ. Những quả còn nhiều màu sắc đã được các bà, các mẹ tranh thủ làm từ những ngày trước Tết, giờ chỉ còn chờ ngày hội Lồng tông là sẵn sàng đua tranh tìm tâm điểm.
Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Ma Quang Huy chia sẻ, nếu những ngày trước, chuyện “ăn Tết” vẫn còn nặng nề, thì giờ bà con đề cao chuyện chơi Tết nhiều hơn.
Bà Hoàng Thị Như, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then đàn Tính xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, từ trước Tết, các thành viên câu lạc bộ hát Then đàn Tính đã cùng nhau tập những lời Then mới, sẵn sàng giao lưu với các câu lạc bộ các xã khác. Từ ngày xây dựng nông thôn mới, các nhà văn hóa được xây dựng tại tất cả các thôn bản, cơ hội để tập luyện, để giao lưu được tổ chức thường xuyên hơn, câu lạc bộ càng thu hút thêm nhiều thành viên. Không chỉ cùng giao lưu trong ngày Tết, người Tày ở Phù Lưu cũng sẵn sàng giao lưu với các dân tộc khác trong những ngày diễn ra chợ Thụt được tổ chức ngày 2 - 2 Âm lịch.
Từ trước Tết, trong lúc ông bà, bố mẹ ngồi cặm cụi gói những chiếc bánh chưng gù để đón Tết, thì những cô bé, cậu bé người Dao Tiền ở Hồng Thái (Na Hang) cũng háo hức gói những chiếc bánh chưng xanh bằng giấy, cắt những tờ giấy xanh giấy đỏ để dán lên tất cả các vật dụng trong nhà, dán lên chuồng gia súc, gia cầm… Lũ trẻ phụ giúp người lớn vừa dọn dẹp lại chuồng trại, vệ sinh những dụng cụ lao động sạch sẽ xếp gọn gàng nơi góc bếp, góc vườn; vừa tắm rửa cho con chó, đàn trâu, đàn bò, đàn lợn sạch tươm để cùng đón năm mới. Bà Đàng Thị Nái, thôn Khau Tràng bảo, con người được nghỉ đón Tết, thì những vật dụng trong nhà, những con trâu, con bò góp sức cùng chủ suốt cả năm cũng phải được nghỉ ngơi chứ.
Theo cán bộ văn hóa xã Hồng Thái Đặng Thị Dương, câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc nghỉ ngơi, mà là cách để thế hệ đi trước dạy dỗ thế hệ sau về lòng biết ơn, họ có được ngày hôm nay, chính là nhờ tổ tông đã khai hoang lập hóa, là sự đồng hành của tất cả mọi vật dụng trong nhà. Người già dạy người trẻ, từ đời này sang đời khác, phong tục tốt đẹp này được người Dao Tiền ở Hồng Thái gìn giữ, và trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng đất này.
Người Dao Tiền ở Hồng Thái thích mặc trang phục truyền thống vào những dịp quan trọng như lễ, Tết. Những ngày rảnh rỗi, phụ nữ Dao Tiền tranh thủ thêu những họa tiết đẹp mắt lên khăn, lên áo để ngày đầu năm được khoe với bạn sự khéo léo, tinh tế của mình. Bà Đàng Thị Lây, thôn Nà Mộ năm nay ở cái tuổi cận kề 60, được phong là “nghệ nhân” của xã. Bà Lây vừa biết hát Páo dung, vừa biết thêu trang phục truyền thống. Niềm vui của bà là vừa rồi, khi xã có chủ trương thành lập Câu lạc bộ hát Páo dung của người Dao Tiền, bà đã vinh dự được bà con bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tết, nam thanh nữ tú, những cặp đôi ở Hồng Thái lại cùng nhau ra nhà văn hóa, hay một bãi đất trống của làng để hát giao duyên. Những luyến láy của lời ca tiếng hát, những tâm tình đôi lứa xua đi cái giá lạnh của thời tiết, chỉ còn tiếng hát, tiếng cười vang rộn núi rừng.
Những câu chuyện đầu năm đã gói lại âu lo, muộn phiền năm cũ. Sắc màu Tết của đồng bào vùng cao, dẫu qua nhiều biến thiên, hội nhập, nhưng những phong tục, truyền thống tốt đẹp vẫn thấm đượm vào mỗi con người, để rồi chính họ, sẽ tiếp tục vẽ nên bức tranh muôn màu cho ngày mới.
Gửi phản hồi
In bài viết