Tết sớm cùng người Mông

- Thời điểm này các bản làng vùng sâu, vùng cao trên địa bàn tỉnh chìm trong cái rét buốt tê tái. Đối với người Mông thích sinh sống trên các đỉnh núi cao, thời điểm này được họ gọi là thời kỳ “ngủ đông”. Người Mông chọn thời điểm rét nhất trong năm để tổ chức Tết cho dân tộc mình và kéo dài khoảng một tháng. Tết của người Mông thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng một tháng. Đây là một dịp để họ chuẩn bị cho một năm mới, tạ ơn tổ tiên và cầu mong sự bình an, may mắn cho gia đình trong năm tới.

Cầu một năm mới tốt lành

Tuyên Quang là tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc Mông đông thứ tư, đứng sau dân tộc Tày, Dao, Cao Lan. Dân tộc Mông cư trú ở hầu hết các huyện trong tỉnh, tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Người Mông lấy độ cao và đất đai làm nguyên tắc sống và chia thành 5 ngành chính, trong đó có 4 ngành chính tập trung ở Tuyên Quang: Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đen, Mông Xanh. Còn dân tộc Mông Đỏ sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc.

Phụ nữ Mông vui Tết phải mặc trang phục đẹp.

Với người Mông, dòng họ có vị trí quan trọng, theo quan niệm của đồng bào, người cùng dòng họ là người anh em có cùng tổ tiên nên vai trò của trưởng họ, trưởng bản rất cao, uy tín, nói ai cũng nghe. Người Mông là dân tộc theo chế độ phụ quyền, quyền của người đàn ông trong gia đình rất mạnh, người phụ nữ “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 4.000 hộ người Mông với trên 20.000 khẩu.

Hơn 10 giờ sáng thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) vẫn chìm trong mây. Những chuồng trâu được người dân quây bạt kín để tránh gió. Cả thôn gần 100 nóc nhà người Mông, ngọn lửa gần như cháy bập bùng cả ngày. Ông Vàng Seo Sùng đang dọn dẹp nhà cửa cho biết, người Mông ăn Tết theo lịch 360 ngày và kéo dài đến cả Tết Nguyên đán. Đây là dịp để các thành viên gia đình thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp cho tương lai. Ông Sùng cho rằng, mâm cỗ Tết của người Mông rất đặc trưng và phong phú. Những món ăn trong mâm cỗ không chỉ tượng trưng cho sự no đủ mà còn mang đậm ý nghĩa tâm linh. Mâm cỗ Tết thường gồm có thịt lợn, gà, xôi, bánh dày, các loại rau quả tươi ngon. Đặc biệt, bánh dày là món ăn không thể thiếu, tượng trưng cho sự tròn đầy, hạnh phúc, thể hiện ước nguyện gia đình sẽ sum vầy, ấm no trong năm mới. Vào tối 30-11 âm lịch, các gia đình ở thôn Khuổi Củng tổ chức lễ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ để dâng lên tổ tiên, tạ ơn vì một năm qua được mùa, được sức khỏe, cầu mong một năm mới thịnh vượng và bình an. Người Mông tin rằng, tổ tiên luôn đồng hành, che chở cho họ trong suốt cuộc sống, và lễ cúng là dịp để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Tiếng khèn không thể thiếu trong ngày xuân của người Mông.

Trong đời sống tâm linh của người Mông, con gà đóng vai trò rất quan trọng, nên các nghi lễ của họ luôn có sự hiện hữu của con vật này, đặc biệt trong những ngày Tết, người Mông sẽ làm lễ cúng tết con gà để làm vía, cúng tổ tiên, cúng thần bếp. Người Mông quan niệm để thay xử ca (bàn thờ) đón năm mới vào ngày 30 Tết phải có giấy bản. Giấy bản, giấy đỏ được các hộ dán lên bàn thờ, góc nhà, cột nhà, dụng cụ lao động thể hiện sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và thần linh.

Mùa của vui chơi

Người Mông có tiếng là chăm chỉ, quanh năm bám mặt với nương rẫy ruộng vườn. Tranh thủ thời tiết tốt họ chăm chỉ lao động để có thóc đầy bồ, gà đầy chuồng. Chỉ khi vào mùa đông lạnh giá, người Mông không cày cấy được mới ngồi nhà sưởi lửa. Đây là “thời cơ” để họ xả hơi ăn Tết dài ngày, đi chợ phiên, làm các món ngon và vui hội xuân với nhiều trò chơi dân gian.

Người Mông thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, Hàm Yên chuẩn bị quần áo mới đón Tết.

Tại chợ phiên xã Kiến Thiết, ngay đầu buổi sáng sớm đã đông người Mông ở các bản trong xã xuống núi. Phiên chợ các ngày cuối năm đông hơn ngày thường. Hàng hóa phục vụ Tết người Mông cứ thế từ các nơi theo con buôn đổ về đây. Chị Sùng Thị Kiều, dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, gùi ít măng khô xuống chợ bán tâm sự, chị xuống đây chơi chợ là chính, tiện thể gặp những người quen để chào hỏi chuẩn bị bước sang một năm mới. Chị Kiều cho rằng người Mông nghi lễ Tết bắt buộc phải có nhưng cũng không quá cầu kỳ, giống với tính cách người Mông. Người Mông sống tình cảm, trọng chữ tín, nhà cửa không quá lộng lẫy. Tết đến các gia đình đi chợ chủ yếu mua quần áo mới, mua bánh kẹo, nước mắm, muối, mì chính. Còn đâu những thứ khác các gia đình đều tự làm được.

Ở xã Yên Lâm (Hàm Yên) - một trong những địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống - bà con cũng đang rộn ràng đón Tết. Năm qua người Mông Yên Lâm được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Anh Dương Văn Bình, thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm khẳng định, năm 2024 trên địa bàn xã đã tổ chức được Liên hoan Văn hóa, Thể thao dân tộc Mông huyện Hàm Yên năm 2024 và Phục dựng Lễ hội Gầu Tào xã Yên Lâm. Hầu hết các thôn có đông người Mông sinh sống trong xã có các đội văn nghệ hoạt động sôi nổi, tích cực. Nhất là trong các ngày lễ Tết, thôn, xã đều tổ chức vui văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm nét người Mông.


Tết đến người Mông thường dựng cây nêu tổ chức Lễ hội Gầu Tào.

Năm nào cũng vậy, Tết đến người Mông xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) thích chơi trò Tù lu hay còn gọi là đánh cù. Trò chơi thu hút nhiều đàn ông Mông trong vùng tham dự. Ngoài ra họ còn tổ chức chọi đấu chim họa mi, thi giã bánh dày, đánh pao, bập bênh, đánh đu, thổi khèn và múa ô góp phần làm cho buổi lễ rôm rả. Ở huyện Yên Sơn, các xã có đông đồng bào Mông: Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Đạo Viện, Kim Quan, Kiến Thiết, Mỹ Bằng, Tứ Quận còn hay tổ chức giao lưu ca múa nhạc dân tộc Mông.

Người Mông sống giản dị, lãng mạn, bền bỉ, quật cường, văn hoá ít bị pha trộn. Tết đối với người Mông vừa là dịp để làm tròn đạo hiếu tâm linh với tổ tiên, vừa là dịp vui chơi gắn kết cộng đồng. Đây là nét đẹp cần bảo tồn, phát huy tạo ra sự đa dạng, phong phú, nét riêng trong bức tranh dân tộc của tỉnh.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục