Đường về thôn Khuổi Lầy được bê tông sạch sẽ, khang trang.
Đổi thay trong xuân mới
Con đường bê tông thẳng tắp, khang trang, sạch sẽ dẫn chúng tôi về thôn Khuổi Lầy. Dọc đường là những nếp nhà gỗ nhỏ xinh nép mình hiền hòa bên vườn cải, ruộng ngô trổ hoa khoe sắc rực rỡ. Đám trẻ nhỏ đùa vui trước sân nhà, cười khúc khích khi chúng tôi giơ máy ảnh...
Đây là lần thứ 2 chúng tôi đặt chân tới vùng đất này. Không còn cảnh đìu hiu của vài năm trước, diện mạo nông thôn Khuổi Lầy nay hoàn toàn đổi mới. Cổng làng xây dựng to, đẹp; đường bê tông vào tận thôn, chạy thẳng ra cánh đồng; xa xa bóng điện tỏa sáng khắp tuyến đường quanh thôn. Ngồi hàn huyên cùng chúng tôi, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Bàn Văn Giang phấn khởi nói: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng trong thôn từng bước được cải thiện. Tết này, bà con phấn khởi nhất vì hoàn thành tuyến đường trục thôn”.
Từ đường trục xã rẽ vào thôn Khuổi Lầy có chiều dài hơn 2km. Trước kia là đường đất, nắng bụi, mưa lầy, việc giao thương hàng hóa của bà con hay đến trường của con trẻ rất khó khăn. Quyết không để cái khó, cái nghèo đeo bám, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Khuổi Lầy đã đồng lòng chung sức góp công, góp của bê tông hóa tuyến đường. Chỗ nào khó bà con làm trước, ai có tiền góp tiền, không có tiền góp công, góp sức, mỗi năm thôn phấn đấu bê tông từ 200 đến 500m. Đến hết năm 2021, thôn đã hoàn thành bê tông tuyến đường với tổng chiều dài 2,3 km, trong đó Nhà nước hỗ trợ xây dựng 300m, còn lại do nhân dân đóng góp xây dựng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Không chỉ bê tông đường giao thông nông thôn, người dân ở đây còn chung sức xây dựng cổng làng, tuyến đường điện thắp sáng đường quê, lắp đặt kênh mương kiên cố, sáng đẹp...
Chị em gói bánh chưng gù Tết.
Tư duy, cách làm kinh tế cũng từng bước thay đổi. Ngoài cây trồng chủ lực là cây lúa, cây ngô và cây lâm nghiệp, nhân dân trong thôn phát triển đa dạng các loại cây, con cho thu nhập cao, như: cam, quýt, bưởi, chăn trâu sinh sản, dê, dúi... Tiêu biểu, có gia đình ông Bàn Văn Lân, kinh doanh hàng tạp hóa, trồng rừng; Bàn Văn Thụ mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, lợn, rừng; Đặng Quốc Khánh mô hình chăn nuôi trâu, dê sinh sản...
Nét độc đáo Tết người Dao
Thôn Khuổi Lầy có 127 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Trong đó, chiếm 95% là người dân tộc Dao Tiền. Thôn có 3 dòng họ Bàn, Đặng, Lý. Người Dao Tiền ở Khuổi Lầy không có phong tục tiễn ông Công ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp mà ăn Tết từ ngày 24, 25 trở đi. Từ ngày 24 tháng Chạp, các chàng trai khỏe mạnh, cường tráng hò nhau mổ lợn, lấy thịt làm bánh chưng hay làm thịt treo gác bếp, thịt chua. Chị em phụ nữ đảm nhiệm gói bánh. 2 loại bánh không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán của người Dao Tiền là bánh chưng gù (dua trống), bánh mật (dua iít). Bánh gù được làm từ gạo nếp nương, đậu xanh, thịt mỡ. Bánh mật được làm từ bột gạo nếp nghiền nhỏ trộn với mật mía, nhân bánh làm bằng đỗ xanh, bánh gói bằng lá chuối rừng cho lên đồ chín thì vớt ra để ráo. Với đồng bào Dao Tiền ở Khuổi Lầy, bất kể gia chủ nghèo hay giàu, Tết cũng phải có đủ 6 chiếc bánh gù, 6 chiếc bánh mật và 1 miếng thịt lợn đặt lên tổ tiên để tỏ lòng biết ơn. Ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình tập trung trang hoàng nhà cửa. Đàn ông dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, phụ nữ quét dọn nhà cửa, chặt củi đun 3 ngày Tết. Ông Bàn Văn Hợi, trưởng họ Bàn thôn Khuổi Lầy chia sẻ: Chặt củi đầu năm mới là điều cấm kỵ đối với người Dao Tiền nơi đây. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, phụ nữ người Dao đã chuẩn bị sẵn một số lượng củi đun đủ những ngày Tết. Mỗi gia đình chất sẵn đống củi vừa để đun nấu phục vụ 3 ngày Tết, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cuộc sống ấm no, sung túc cả năm. Vào sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình dậy thật sớm, chuẩn bị bữa cơm đón chào năm mới, chuẩn bị đón khách. Một trong những nét đặc trưng ngày Tết của người Dao Tiền đó là tục “cúng nhà ngoại” vào sáng mùng 2 Tết, tức những gia chủ có bố mẹ vợ đã mất để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn công sinh thành.
Thêu váy đi chơi Tết.
Chúng tôi vào nhà chị Lý Thị Viên, một người dân thôn Khuổi Lầy khi chị đang dở tay chăn đàn lợn. Chỉ về phía mấy con lợn béo múp, bụng căng tròn, chị Viên tươi cười, nói: “Lợn Tết đấy. Dẫu cuộc sống còn thiếu thốn nhiều, nhưng Tết năm nào cũng có đủ thịt và bánh. Năm nay, gia đình tôi dành hẳn một con lợn ăn Tết và mời anh em họ hàng”.
Đón một mùa xuân mới, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mỗi người dân thôn Khuổi Lầy đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi từ những gì họ đã đạt được trong năm qua. Sự vui mừng được thể hiện qua từng khuôn mặt, nụ cười, niềm tin bởi nơi đây mùa xuân đang đến. Đó là sự ấm no, hạnh phúc đang lan tỏa.
Gửi phản hồi
In bài viết