Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: DUY ĐĂNG)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 152,20%, giảm 18,2% so với cùng kỳ.
Vẫn có những điểm sáng
Xuất khẩu sáu tháng tiếp tục tăng trưởng âm trong bối cảnh đầy ảm đạm của thị trường, nhưng phân tích kỹ vẫn thấy không ít điểm sáng. Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong phân tích, sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dù có bước sụt giảm, nhưng cần nhấn mạnh tăng trưởng cùng kỳ các năm 2021 và 2022 đều đạt rất cao. Nếu so sánh về quy mô thì xuất khẩu sáu tháng qua đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt khác, theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4, trong 16 nền kinh tế lớn trên thế giới thì có đến 13 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu. Do vậy, kết quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức thặng dư 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Nhóm lâm sản chính là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu sáu tháng với kim ngạch đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12% so cùng kỳ, trong đó, có bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, bao gồm: cà-phê, cao-su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Nổi bật là sản phẩm rau quả, xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ, là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nếu giữ được nhịp độ này trong sáu tháng tới, dự báo cả năm nay xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 5 tỷ USD, thậm chí nếu làm tốt công tác giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, trong tương lai, con số 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả là khả thi. Ngoài ra, gạo và hạt điều cũng là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, gạo tăng 22,2% và tăng 34,7%; hạt điều tăng 10,5% và tăng 7,7% lần lượt về khối lượng và giá trị xuất khẩu; riêng cà-phê tuy giảm về khối lượng xuất khẩu (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%. Các mặt hàng rau quả, cà-phê, gạo và hạt điều tăng cao là trụ cột để xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản sáu tháng qua tăng 6,1% so với cùng kỳ, trở thành nhóm mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số bốn nhóm hàng xuất khẩu.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD. Nổi bật, một số thị trường xuất khẩu quan trọng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (đạt 95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%); một số thị trường mới ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao như Argentina (tăng 35%), Saudi Arabia (tăng 67%), Angeri (tăng 91%).
Cán cân thương mại với một số thị trường cũng đang có bước chuyển tốt. Đơn cử, xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 0,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1% so cùng kỳ.
Sẵn sàng giải pháp ứng phó
Bên cạnh điểm sáng của một số mặt hàng nông sản, ngành nông nghiệp nhìn chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu. Thí dụ, giá trị xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 6,42 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm mạnh. Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm sản phẩm từ gỗ đã khiến việc ký kết và mở thêm đơn hàng mới không có tiến triển tốt.
Nhận định bức tranh xuất khẩu sáu tháng cuối năm, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, trong khi lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu nói chung và EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Đồng tình với quan điểm này, đại điện Bộ Công thương cho biết, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.
Đồng thời, chính sách bảo hộ của các nước ngày một gia tăng. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu-tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Cộng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam (Mỹ, EU...).
Vì vậy, trước những rủi ro, thách thức lớn chưa từng có mà hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt, chúng ta cần sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% đã đề ra.
Dây chuyền chế biến ngô ngọt xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Vifoco, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: VŨ SINH)
Theo đồng chí Nguyễn Việt Phong, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, cần theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời.
Lưu ý, Trung Quốc - thị trường có thương mại hai chiều lớn nhất của Việt Nam - đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta, nhất là đối với những nhóm hàng nông lâm thủy sản, do đó, cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa hai nước, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Chúng ta cũng cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống, cụ thể là mở rộng xuất khẩu tới các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin,...
Tiềm năng tại các thị trường có FTA vẫn còn khá lớn, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên để khai thác tốt những thị trường có FTA, cần đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng.
Việc phổ biến và làm doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này là trách nhiệm mà Bộ Công thương cần thúc đẩy trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm là tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử. Một giải pháp trọng tâm khác là tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, từ đó mở ra cơ hội thúc đẩy sản xuất và mở rộng xuất khẩu.
Gửi phản hồi
In bài viết