Tại Tuyên Quang, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-BATGT tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu. Theo đó, các hoạt động tuyên truyền tập trung phổ biến rộng rãi ý nghĩa của tham gia giao thông an toàn, thân thiện môi trường; cảnh báo hậu quả của tai nạn giao thông; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, xe đạp và đi bộ nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Dự kiến một số sự kiện hưởng ứng tuần lễ được tổ chức gồm: Ngày giao thông công cộng miễn phí, Ngày đi bộ hoặc đạp xe đi làm, kêu gọi người dân đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, vận động người lái xe cơ giới tuân thủ quy định về tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp…
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 650 nghìn phương tiện cơ giới. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị.
Học sinh Trường THCS Nông Tiến (TP Tuyên Quang) được tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hoàng Hồng Thái cho biết, hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7, Ban ATGT tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền người dân thay đổi thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân đường bộ sang phương tiện công cộng với các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền như: “Tham gia giao thông xanh - sạch - an toàn”, đi xe điện - thân thiện môi trường, đi xe buýt - ít nguy cơ, đạp xe - mạnh khỏe - vui vẻ - an toàn, đã uống rượu bia - không lái xe, giảm tốc độ - nhường người đi bộ... Qua đó nhằm thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để giúp giao thông xanh, sạch và ngày càng an toàn hơn.
Để Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu mang lại hiệu quả, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm. Trong đó, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, lấn chiếm phần đường của người đi bộ, xe thô sơ, đi xe trên vỉa hè… Trong tháng 5, lực lượng Công an toàn tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho gần 5.000 lượt giáo viên, học sinh; tuyên truyền qua công tác xử lý vi phạm hành chính và giải quyết tai nạn giao thông cho 1.442 người; phát tài liệu tuyên truyền về mức xử phạt liên quan đến sử dụng rượu bia và chở hàng vượt quá tải trọng cho 493 trường hợp người điều khiển phương tiện… Qua đó góp phần từng bước nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông.
Em Hà Kim Hạnh, lớp 12C3, Trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) nói, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng được em và nhiều bạn học sinh lựa chọn bởi an toàn, tiết kiệm và có thể tránh được thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như những ngày qua. Thông qua các buổi tuyên truyền, chúng em cũng hiểu rằng lựa chọn xe buýt cũng chính là cách để chúng em chung tay cải thiện ATGT, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm rất nhiều so với 10 năm trước tuy nhiên nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn còn rất cao. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm đã xảy ra 30 vụ tai nạn, làm chết 12 người, bị thương 21 người. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, mỗi người dân bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành luật cũng cần từng bước thay đổi tư duy về giao thông, chủ động đi lại bằng phương tiện công cộng, xe đạp, xe điện, đi bộ…
Gửi phản hồi
In bài viết