Tham luận của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

- Tại phiên thảo luận Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh đã có bài tham luận với chủ đề: “Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giải đoạn 2021-2026”. Báo Tuyên Quang trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng.
Ảnh: Thành Công

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Được phép của Đoàn Chủ tịch, tôi xin thay mặt Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc, báo cáo tham luận: Một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, gần 14,2 triệu người, sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh/thành phố. Đây là địa bàn núi cao, hiểm trở, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sạt lở đất.

Nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN đã có bước phát triển mới; đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Nhưng, so với mặt bằng chung thì đây vẫn là vùng có nhiều khó khăn nhất.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hoà quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc…”.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, trong đó có 54 chính sách dân tộc. Ưu tiên bố nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên 7 lĩnh vực chủ yếu sau:

1. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng.

Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đường giao thông được kiên cố tăng 16,7% so với năm 2015.

2. Công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bàn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.300 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Vùng DTTS và MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện ở vùng DTTS và MN (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng.

Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt, tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, trung học cơ sở tăng 9%, trung học phổ thông tăng 14,7%. Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm. Đã xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 04 trường dự bị đại học dân tộc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em các dân tộc.

4. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực.

Đến nay, vùng DTTS và MN có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (tăng gấp 2 lần so với năm 2015); 77,2% số trạm y tế có bác sỹ; 93% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm 5,6%.

Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng chống bệnh của người dân, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Vừa qua, đã góp phần cùng với cả nước kiểm soát, phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19, tạo nên hình ảnh một Việt Nam đoàn kết, thông minh, sáng tạo, nhân ái, được bạn bè thế giới nể phục.

5. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn.

Tiếp tục công nhận 04 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở vùng DTTS và MN; Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số; hàng năm đã tổ chức tốt ngày hội văn hóa của các dân tộc,tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái giữa các dân tộc, các vùng miền với nhau.

Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đạt kết quả tốt. 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đa dạng của người dân. Đã phát sóng được 22 thứ tiếng dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền. Cấp không thu tiền hàng triệu tờ báo, góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

6. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến rõ nét hơn.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%. Quốc hội khóa 14 có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,4%. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 17 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 8,5% (trong đó có 01 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị). Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,8%; ủy viên ban thường vụ đạt tỷ lệ 11,8%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,5%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí đạt 9,2%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,5%.

Tỷ lệ đảng viên dân tộc thiểu số tăng từ 10,94% năm 2012 lên 11,98%  năm 2019. Hiện nay, 100% cơ quan, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp nhà nước ở vùng DTTS và MN có tổ chức đảng làm hạt nhân lãnh đạo.

7. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được chú trọng; cấp ủy,  chính quyền địa phương, nhất là ở các địa bàn trọng yếu, vùng biên giới luôn nắm vững tình hình, chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xẩy ra các “điểm nóng”, phức tạp về an ninh, trật tự.

Bộ đội biên phòng đã cử hàng trăm lượt sỹ quan, chiến sỹ tăng cường xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương vùng biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Những kết quả quan trọng nêu trên đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc, tinh thần cảnh giác cách mạng của đồng bào được nâng lên, góp phần làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng DTTS và MN vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập. So với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khoảng cách so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; tình trạng di cư tự phát chưa được giải quyết hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhiều nơi chưa đạt tỷ lệ theo quy định; hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở một số nơi chậm được khắc phục; vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xuất phát điểm của vùng DTTS và MN thấp; địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc chưa quyết liệt, hiệu quả; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có việc chưa chặt chẽ. Nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn bằng lòng với hiện tại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên.

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến với các đại biểu Tuyên Quang.
​Ảnh: Thành Công

Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Chúng tôi nhất trí cao với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, giai đoạn 2021 – 2025 đã được trình bày trong dự thảo Báo cáo chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025:“Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi”.

Để đạt được các mục tiêu đó, chúng tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1.Quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, quan điểmcủa Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

2. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định để huy động các nguồn lực khác.

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.

5. Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; giữ vững và phát huy thành quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, các trường, khoa dự bị đại học. Hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn.

Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở. Phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương.  Xây dựng và thực hiện chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khoẻ, tầm vóc của thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số.

Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Kiên quyết xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

6. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với “thế trận lòng dân” vững chắc; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung.

7. Chú trọng bồi dưỡng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Quan tâmphát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp uỷ và các cơ quan dân cử các cấp.

8. Tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Vinh dự được phát biểu trước diễn đàn Đại hội, thay mặt đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Xin tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang; các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước. Tri ân công sức của hàng vạn cán bộ, thầy giáo, thầy thuốc, chiến sỹ các lực lượng vũ trang; các doanh nhân, doanh nghiệp và bà con miền xuôi lên phát triển kinh tế ở miền núi, góp phần quan trọng để đồng bào các dân tộc có được cuộc sống ngày càng no đủ, hạnh phúc như ngày nay.

Đồng bào các dân tộc thiểu số nguyện đoàn kết một lòng “54 dân tộc anh em như cây một cội, như con một nhà”, một lòng sắt son theo Đảng, cùng nhau thống nhất ý chí và hành động, vun đắp tinh thần đại đoàn kết “trường tồn, nở hoa, kết trái”, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục