Thành phố Torino (Italia): Hình mẫu phát triển đô thị bền vững

Không phải là điểm du lịch nổi tiếng như Rome hay Venice, nhưng Torino lại mang một vẻ thanh lịch rất Italia mà có lẽ nhiều thành phố không có được.

Ít ai ngờ rằng có một thời thành phố xinh đẹp bên bờ sông Po này bị lãng quên trong suy nghĩ của những "tín đồ du lịch" vì hàng loạt mặt trái của một trung tâm công nghiệp nặng. Nhận ra được điều này, chính quyền thành phố đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách khắc phục, giúp Torino chuyển mình thành một hình mẫu điển hình về phát triển đô thị bền vững.

Trong danh sách những điểm đến ưa thích để đón Giáng sinh và năm mới 2021, Torino được người dân Italia lựa chọn hàng đầu. Trong một bài báo đăng trên trang tin tức 24h của nước này, tác giả đã chia sẻ cảm xúc rằng, nếu đến Torino kỳ nghỉ lễ cuối năm, bạn sẽ được đắm mình trong cảnh quan tuyệt đẹp của dãy Alps phủ tuyết trắng, hoặc sống trong không gian cổ tích khi tản bộ trên những con đường tĩnh lặng vây quanh bởi các tòa nhà có lịch sử hàng trăm năm tuổi như bảo tàng Armeria Reale, nhà thờ Turin... Khám phá vùng đất từng là thủ đô đầu tiên của nước Italia thống nhất vào thế kỷ XIX, chứng kiến nỗ lực cải cách, vượt lên những sai lầm về quy hoạch, bạn sẽ không cảm thấy thất vọng vì đã chọn Torino là điểm dừng chân trong khoảnh khắc giao niên.

Là thủ phủ vùng Piedmont ở Tây Bắc Italia, từ cuối thế kỷ XIX Torino đã là một trong những trung tâm công nghiệp chính của đất nước hình chiếc ủng với sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp thép, cơ khí, hóa chất, dệt may. Đối với những người có niềm đam mê tốc độ thì Torino chính là quê hương những chiếc xe hơi Fiat. Tuy nhiên, tương tự như những thành phố phát triển khác trên thế giới, Torino phải đối diện với những mặt trái của tốc độ tăng trưởng “nóng” và quá trình đô thị hóa nhanh chóng như ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất cân bằng xã hội...

Cũng chính sự tập trung phát triển ồ ạt về công nghiệp khiến Torino bị lãng quên vai trò từng là một trung tâm lịch sử - văn hóa của đất nước Italia. Dẫu dấu ấn của quá khứ vàng son vẫn trải khắp thành phố dưới hình hài của cung điện Hoàng gia, cung điện Madama, lâu đài Valentino, cung điện Villa della Regina - nơi nữ hoàng Anna Maria d’Orleans từng sinh sống..., nhưng chính sách phát huy giá trị của những di tích ấy không được quan tâm đúng mức vào thời điểm đó. Nhiều tòa nhà cổ bị chuyển đổi chức năng, dẫn tới sự thay đổi về kiến trúc, thậm chí bị phá hủy.

Đứng trước những thách thức ảnh hưởng tới tương lai, từ năm 2007 và đặc biệt sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vào cuối năm 2014, Torino đã triển khai chiến lược cải cách nhằm bảo đảm sự phát triển của thành phố theo hướng thông minh và bền vững. Trong kế hoạch có tên gọi “Quy hoạch chiến lược và hành động thực tế” được đưa ra vào năm 2007, các nhà quản lý thành phố đã vạch rõ những mục tiêu ưu tiên cũng như lộ trình cụ thể như: Từ năm 2010, bắt đầu quy trình thực hiện giảm 41,9% lượng khí phát thải CO2; tham gia Cộng đồng Thành phố thông minh của Liên minh châu Âu vào năm 2011; Xây dựng kế hoạch tổng thể để thực hiện chính sách đổi mới bao trùm theo tiêu chuẩn của EU vào năm 2020... Hơn 350 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã được mời tham gia nghiên cứu và đóng góp vào bản kế hoạch này.

Nhằm phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo, những năm gần đây Torino đã đẩy mạnh các chương trình trao đổi văn hóa, tổ chức hội thảo và giao lưu với các thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về thúc đẩy sáng tạo mang tính bền vững và tầm quan trọng của việc áp dụng thiết kế sáng tạo để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đáng chú ý, hằng năm, Ủy ban Chỉ đạo mạng lưới sáng tạo của Torino, bao gồm đại diện từ các khu vực công, tư, cùng nhau xây dựng chương trình hoạt động nhằm hỗ trợ sự phát triển của Torino với tư cách là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Torino cũng đặc biệt chú trọng đến việc ươm mầm phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực này bằng cách trao học bổng, tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và thúc đẩy các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa, ngoài việc bảo tồn các công trình lịch sử, Torino đang trở thành một trong những thành phố châu Âu đi đầu về hỗ trợ các hoạt động văn hóa, sáng tạo. Năm 2016, thành phố này đã cho ra đời một bản “tuyên ngôn” văn hóa của Torino, trong đó đề cập tới 10 chủ đề cần thực hiện trong tương lai, bao gồm việc lên kế hoạch ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa, hỗ trợ các nghệ sĩ đưa ra ý tưởng sáng tạo, dần đưa Torino trở thành một trung tâm văn hóa của châu Âu.

Một khu vực được coi là điển hình về thành công trong chính sách phát triển văn hóa tại Torino là Barriera di Milano, nơi tập hợp những con phố ấn tượng với vô vàn hình họa graffity. Nhiều ngôi nhà trước từng là nhà kho giờ đã biến thành những xưởng thủ công và nơi sáng tác sản phẩm sáng tạo. Nhiều triển lãm nghệ thuật đã được tổ chức ở khu vực này.

Với nỗ lực của chính quyền và người dân, giờ đây Torino đã được coi là một hình mẫu điển hình về cải cách hướng tới sự phát triển đô thị bền vững.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục