Khách hàng giao dịch tại ATM.
Theo đó, 56% số người dùng Việt tham dự khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước, thể hiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng trẻ hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% số người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hằng ngày.
Hướng đến nền kinh tế không tiền mặt
Nghiên cứu từ Visa cho thấy những xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời mở ra bước tiến quan trọng hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán - tài chính trong thời gian tới đây. Trước hết, đó là sự “lên ngôi” của ví điện tử. Việt Nam hiện góp mặt trong tốp đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo cũng cho thấy cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên.
Cùng với ví điện tử, thời gian gần đây, thanh toán theo thời gian thực (Real-time payment, RTP) đang dần chiếm lĩnh được vị thế với độ phủ sóng đáng kể, một minh chứng nội lực quốc gia trong việc đón nhận các công nghệ tài chính hiện đại. Phương thức thanh toán thời gian thực vừa cho thấy tính hiệu quả vừa nhanh chóng, tiện lợi, cũng từng bước tạo đà cho tiến trình số hóa nền kinh tế diễn ra tích cực hơn. Tại Việt Nam, RTP đang ngày càng được ưa chuộng, với ít nhất 2 trong số 5 người tiêu dùng cho biết đã từng sử dụng giải pháp này. Ứng dụng RTP trong đời sống tiêu dùng cũng dần trở nên đa dạng hơn, trong đó có thể kể đến giao dịch xuyên biên giới, chuyển tiền giữa các cá nhân P2P, thanh toán cho nhà bán hàng - đơn vị bán lẻ và thanh toán hóa đơn.
Ngoài ra, mua trước trả sau (Buy Now Pay Later-BNPL) cũng đang ngày một phổ biến rộng rãi và được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm, nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Visa với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong Giải pháp Trả góp Visa (Visa Instalment Solutions) là một thí dụ cho những tác động mang tính bước ngoặt của những loại hình thanh toán số đa dạng hiện nay trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh doanh. Thẻ tín dụng, tuy ít được sử dụng để nạp tiền cho ví điện tử, nhưng đổi lại trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho thanh toán BNPL tại Việt Nam. Cùng với ứng dụng dễ sử dụng, mã giảm giá miễn phí, chương trình điểm thưởng và khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng là một loạt những động lực chính gia tăng việc sử dụng dịch vụ BNPL.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Có thể nói, làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến vô vàn tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày. Cũng theo báo cáo của Visa, hướng tới tương lai giao dịch kỹ thuật số tiện lợi và an toàn cho cộng đồng, Visa sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong hành trình chuyển đổi số đầy sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ: Visa cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình đổi mới, sáng tạo và nâng cao trải nghiệm thanh toán số của người tiêu dùng Việt Nam.
“Hiểu biết từ Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, một lần nữa khẳng định xu hướng phát triển nhanh chóng của giao dịch không tiếp xúc, tương đồng với mức tăng 53% các giao dịch không tiếp xúc được tiến hành thông qua thẻ Visa. Thêm vào đó, tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa phát hành tại Việt Nam tăng 19%, cùng với sự gia tăng của giá trị giao dịch xuyên biên giới cho thấy hoạt động kinh tế và kết nối đang gia tăng trong khu vực. Theo đó, qua những mối hợp tác bền chặt với đối tác và các bên liên quan, Visa mong muốn có thể tiếp tục mang đến nhiều giải pháp thanh toán số tiên tiến hơn nữa cũng như góp phần đem lại trải nghiệm liền mạch và an toàn cho người dùng”, bà Đặng Tuyết Dung cho biết.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá, một số phương thức tăng trưởng ấn tượng. Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua phương thức dùng mã QR tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị...
Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, định hướng thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện, trình ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng; Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội;...
Gửi phản hồi
In bài viết