Từ nguồn vốn Chương trình MTTQ phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân huyện Lâm Bình được tham gia các dự án phát triển sinh kế.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ngân sách Nhà nước giao năm 2022 thực hiện 3 chương trình MTQG là trên 947 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn sự nghiệp trên 42 tỷ đồng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 521,3 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên 230,7 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên 195,6 tỷ đồng (chưa phân bổ vốn sự nghiệp 42,1 tỷ đồng). Kết quả giải ngân đến hết tháng 1-2023, đạt 11,12% kế hoạch.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng vốn phân bổ năm 2022 trên 230 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 171 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 59,7 tỷ đồng. Đến ngày 31-1, tỷ lệ giải ngân vốn mới chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho biết, các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội các huyện nghèo; đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất đều đang gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Điển hình như dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu thiết yếu tại 2 huyện Lâm Bình, Na Hang sẽ có 61 công trình cần xây dựng. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra giám sát của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kiểm tra số công trình đã phải điều chỉnh giảm từ 61 danh mục đầu điểm công trình xuống còn 36, buộc 2 huyện Na Hang, Lâm Bình phải thực hiện lại các thủ tục đầu tư dẫn đến giải ngân chậm. Một nguyên nhân nữa đó là các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình theo thẩm quyền của bộ, cơ quan Trung ương còn chậm, thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến khó cho tỉnh trong quá trình thực hiện.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 cũng gặp khó khi nguồn vốn phân bổ về chậm. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2022, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Hào Phú (Sơn Dương) đã tranh thủ, huy động mọi nguồn lực, người dân cũng tích cực chủ động đóng góp công, của để thực hiện chương trình. Dẫu vậy vẫn rất cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xã hoàn thiện các tiêu chí theo đúng chuẩn.
Xã Kháng Nhật ( Sơn Dương) ra quân thực hiện phong trào xây dựng NTM.
Chị Vũ Thị Hoa, cán bộ văn hóa xã Hào Phú chia sẻ, nhà văn hóa xã có quy mô 270 chỗ ngồi, tuy nhiên mới chỉ có 90 chiếc ghế được đầu tư nhiều năm nay đã cũ. Mỗi khi tổ chức cuộc họp, xã đều phải đi thuê bàn ghế cho đại biểu và bà con ngồi dự. Bên cạnh tiêu chí văn hóa, tiêu chí về y tế cũng đang phải chờ vốn để đầu tư xây dựng trạm mới có thể đạt yêu cầu. Do vậy, xã rất mong nguồn vốn sớm được phân bổ để đầu tư mua sắm, xây dựng hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.
Đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, so với những năm trước, tiến độ xây dựng NTM năm 2022 chậm hơn, điển hình như kế hoạch xây dựng thôn NTM, trong tổng số 28 thôn nằm trong kế hoạch đạt chuẩn mới chỉ có 7 thôn đủ điều kiện đạt chuẩn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG, giữa tháng 2 vừa qua, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã họp để tháo gỡ khó khăn thực hiện các chương trình năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. Tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, các ngành, địa phương tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu. Các sở, ngành, huyện, thành phố đánh giá rõ nguyên nhân, khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, những công trình cấp thiết, song phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Riêng về nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Tài chính tham mưu, cân đối bố trí vốn đối ứng để phân bổ bảo đảm giải ngân các chương trình của năm 2022 trong thời gian sớm nhất và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.
Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương chia sẻ, trong khi chờ nguồn vốn từ Nhà nước cấp, huyện đã phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đến toàn thể người dân, hộ gia đình trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, khơi dậy sự nỗ lực cao nhất của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, huyện đang hoàn tất thủ tục công nhận 2 xã đạt chuẩn của năm 2022, quyết tâm đưa thêm 5 xã về đích nông thôn mới trong năm 2023 này.
Thông tin từ Văn phòng Ban điều phối Chương trình MTTQ xây dựng nông thôn mới tỉnh, ngay khi Trung ương phân bổ nguồn vốn cho tỉnh, ngày 28-2, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt phân bổ kế hoạch vốn dự phòng đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và năm 2023. Trong đó, vốn năm 2022 là 48,9 tỷ đồng, năm 2023 gần 196 tỷ đồng gồm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển. Toàn bộ nguồn vốn sẽ được phân bổ về các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2022 và 2023 trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ngày 28-2, UBND tỉnh cũng có các Quyết định số 71, 72/QĐ –UBND tỉnh về phê duyệt và giao dự toán vốn thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của năm 2023. Ban đã phân bổ về các huyện, thành phố để thực hiện theo đúng kế hoạch.
Nguồn vốn được phân bổ, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành đã và đang được ban hành, đặc biệt là sự quyết tâm của các địa phương tiến độ thực hiện các chương trình MTQG sẽ đẩy nhanh theo đúng kế hoạch đặt ra.
Gửi phản hồi
In bài viết