Khó khăn nguồn lao động và mặt bằng
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 385,4 tỷ đồng, bằng 13,2% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 12,3% dự toán tỉnh giao; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá so sánh năm 2010) đạt trên 2.700 tỷ đồng, bằng 13,2% kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ như xi măng, đạt 207 nghìn tấn, đạt 17,3% kế hoạch, tăng 42,9%; gỗ tinh chế đạt 7.530 m3, bằng 13,2% kế hoạch, tăng 17%; giấy in viết đạt 18.565 tấn, tăng 18,3%; giày da đạt 1.530 đôi, tăng 82%; may mặc cũng tăng 16% so với cùng kỳ.
Ngay trong những tháng đầu năm, hàng trăm công nhân Nhà máy may 1, thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã tập trung làm việc hết công suất đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó tổng Giám đốc Công ty cho biết, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, năm nay công ty đã phát triển thêm thị trường các nước EU. Đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, công ty nâng kế hoạch sản xuất, tăng 1,7 lần so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm đã có 1,5 triệu sản phẩm được sản xuất, bằng 40% cả năm 2022.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ sản xuất thêm 3,5 triệu sản phẩm nữa. Theo ông Nghĩa, đơn hàng sản xuất của công ty tương đối ổn định, thậm chí có xu hướng phát triển, tuy nhiên khó khăn hiện nay công ty phải đối mặt là nguồn lao động. Ngay tại Nhà máy 1, quy mô 2.000 lao động nhưng hiện nay chỉ bù đắp được 50%. Đặc biệt, cuối năm nhà máy may Km 31 - Thái Sơn (Hàm Yên) đi vào hoạt động dây chuyền sản xuất đòi hỏi 4.000 lao động sẽ là khó cho doanh nghiệp trong vấn đề tuyển dụng, chưa kể 1 số hộ dân chưa nhận tiền để bàn giao mặt bằng để công ty hoàn tất xây dựng các hạng mục phụ trợ.
Công nhân Nhà máy 1, thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG may hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Tương tự như Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG, Công ty TNHH MSA YB thuộc khu công nghiệp Long Bình An, Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) đơn hàng sản xuất vẫn đảm bảo nhưng cũng gặp khó về nguồn lao động để ổn định sản xuất. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô chia sẻ, mặc dù công ty đã nâng cao dây chuyền sản xuất, áp dụng khoa học tiên tiến, giúp nâng cao mức thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực địa phương vẫn không đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hiện tại, công ty đã phải thuê nhân công ngoài với chi phí cao hơn để chăm sóc, thu hái hết diện tích chè. Theo ông Tú, ngoài thiếu hụt lao động, các chi phí đầu vào như bao bì, phân bón, nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, năm 2023 được nhận định là năm kinh tế trên đà phục hồi mạnh, song cũng tiềm ẩn không ít khó khăn do tác động của các yếu tố, bất ổn chính trị ở một số quốc gia, thiếu nguồn lao động, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao... sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh” và để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 9,0% trong năm 2023, đầu tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các cấp, các ngành của tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã phải tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao nhất, các doanh nghiệp, HTX tiếp tục đồng hành với khát vọng làm giàu chính đáng. Các sở, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đây là chìa khóa tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch trên trang thông tin điện tử, tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất. Các huyện, thành phố tập trung giải quyết có hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp, sở ngành liên quan giải quyết các khó khăn vướng mắc để đảm bảo các dự án đầu tư được triển khai đúng tiến độ, đi vào hoạt động theo kế hoạch, đóng góp giá trị sản xuất, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động và thu nhập cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện, UBND tỉnh lập tổ công tác để trực tiếp tiếp nhận, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm việc với các hộ thống nhất thời gian nhận tiền bồi thường, nhanh chóng giao mặt bằng cho Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG và 1 số công ty khác có dự án đầu tư trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, sở đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động thông qua cung cấp miễn phí các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến người lao động và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong tháng 2 vừa qua, Trung tâm dịch vụ việc làm của sở đã phối hợp với UBND xã Hùng Đức, Minh Hương (Hàm Yên) tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm, ít nhất 300 lao động đã được tư vấn, giới thiệu và ký kết các hợp đồng tuyển dụng. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, sở sẽ tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm ở các địa phương.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gửi thông tin về nhu cầu, số lượng tuyển dụng lao động để Trung tâm dịch vụ việc làm đăng tải trên website, fanpage, nhóm mạng xã hội. Ông Cường đề nghị, các doanh nghiệp cần tính toán tăng mức tiền lương bình quân như mức tăng tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ để giữ chân người lao động. Bởi qua khảo sát các doanh nghiệp tại địa phương trả cho người lao động thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Đây là cũng là một nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà gắn bó với doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính sách tập trung phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính trực tuyến... tạo cơ hội và thời gian cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.
Sự chủ động vào cuộc của tỉnh trong thực hiện giải pháp những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ, sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã khởi sắc. Số liệu của Cục thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ca nhất 26,3%, tiếp đến là các ngành sản xuất, phân phối điện, ngành cung cấp nước... Kết quả trên đã tạo đà để tỉnh hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm và cả giai đoạn.
Gửi phản hồi
In bài viết