Hiến đất mở đường
Những ngày này, người dân xã Hợp Hòa hồ hởi, kỳ vọng chờ đón những km cuối cùng của tuyến đường liên xã Thiện Kế, Hợp Hòa với Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương thuộc tuyến ĐT.185 được hoàn thiện. Con đường dài hơn 12 km, đi qua 9/11 thôn của xã Hợp Hòa giờ đây đã được đầu tư mở rộng, thảm nhựa phẳng lỳ, có hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng khang trang, sạch sẽ. Để có được con đường ấy là biết bao câu chuyện đẹp về phong trào hiến đất làm đường.
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường mới, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu được niềm vui. Đồng chí Hà nói: Trước đây, con đường này được bà con gọi là con đường khốn khổ, nếu đi vào ngày nắng bụi mịt mù, ngày mưa lại phải đánh vật với “ma trận” ổ trâu, ổ gà, bùn lầy... Cách trung tâm huyện hơn 30km nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển mới tới nơi. Ấy là còn chưa kể đến việc hàng hóa của người dân bán ra thì rẻ gấp 2, 3 lần so với thị trường, còn hàng hóa người dân mua vào thì đắt hơn như vậy.
Biết đã từ lâu người dân trông ngóng con đường này được thay đổi, nên khi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư làm đường mới, xã Hợp Hòa quyết tâm hoàn thành xây dựng trong năm 2022. Quá trình phóng tuyến, mở rộng lòng đường lên 6,5m gặp nhiều khó khăn, vì vướng công trình và đất nông nghiệp của 133 hộ gia đình.
Tuyến đường ĐT.185 được hoàn thiện sẽ giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.
Trong đó, có những hộ gia đình sẽ mất đến hàng trăm m2 đất, phải phá dỡ hàng chục mét tường rào, các cây ăn quả, cây lâu năm có giá trị kinh tế cao để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Và rồi, các cuộc họp dân do chi bộ, thôn, UBND xã tổ chức đã diễn ra. Từ đó, các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận. Ở tuyến đường ĐT.185 bắt đầu từ thôn Ninh Hòa đến thôn Tân Trào, người dân đã hiến hơn 6.800 m2 đất, tháo dỡ hơn 500 mét tường rào, hàng nghìn cây ăn quả, cây lâu năm. Trong đó có những hộ hiến hàng trăm m2 đất, điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Núi Độc hiến hơn 700m2, ông Trần Văn Thành, thôn Ninh Hòa hiến hơn 560m2, bà Đặng Thị Dung, thôn Thanh Bình hiến hơn 680m2...
Khi tôi hỏi xã Hợp Hòa có gặp khó khăn trong quá trình vận động nhân dân hiến đất hay không? Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Hà thì có, thậm chí có một số hộ, xã phải tổ chức xuống nhà vận động hơn chục lần, rồi lãnh đạo huyện cũng về để vận động. Nguyên nhân được anh Hà lý giải: Mặc dù là con đường mà người dân đều mong ước từ lâu, thế nhưng khi cán bộ xã đến đo đạc có hộ phải hiến nhiều đất, trong khi nhân dân vẫn nghĩ ít nhiều gì thì cũng sẽ có chế độ hỗ trợ bù trừ cho việc hiến đất, tháo dỡ công trình, nhưng địa phương lại chưa sâu sát, giải thích thấu đáo. Vì vậy, có một số hộ chưa đồng thuận trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng.
Người dân thôn Ninh Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) tự nguyện hiến đất để mở rộng đường lên 6,5m.
Có thấu hiểu, sẽ có sẻ chia
Tôi tìm gặp ông Trần Văn Thành, thôn Ninh Hòa. Nhắc lại chuyện khi mới có chủ trương giải phóng mặt bằng để làm đường, gia đình ông không đồng ý hiến đất, cười khà khà ông nói: “Hiến đất để mở đường thì dân chúng tôi đồng thuận thôi. Nhưng khi hiến hàng trăm m2 mà không nhận được kinh phí bồi thường nào nên chúng tôi rất băn khoăn. Khi chúng tôi phản ánh với cán bộ xã, mấy ngày sau, cán bộ xã tổ chức họp dân. Rồi được dân đồng thuận”.
Tò mò hỏi ông Thành: “Ở cuộc họp đó xã trao đổi những gì mà dân đồng thuận?”. Ông Thành kể: “Xã tổ chức họp toàn thể nhân dân. Phó Chủ tịch UBND xã nói rõ về chủ trương của cấp trên để nhân dân hiểu về xây dựng đường. Nhà nước đã đầu tư kinh phí hơn trăm tỷ đồng, nếu nhân dân không ủng hộ thì sẽ mất đi cơ hội làm đường. Được giải thích cụ thể, ai cũng nghĩ Nhà nước đã quan tâm đầu tư thì tại sao lại tiếc ít mét đất. Đồng chí Phó Chủ tịch nói có lý, có tình. Thế nên, tất cả vui vẻ đồng tình. Gia đình tôi cũng đã hiến 560m2 đất. Thực ra, hiến thêm nữa để có con đường đẹp tôi cũng sẵn sàng”.
Cách nhà ông Thành không xa là nhà chị Ma Thị Chắc, thôn Ninh Hòa. Chị Chắc cũng đã hiến hơn 100m2 đất ở. Mặc dù gia đình chị Chắc là hộ nghèo của thôn, nhưng khi có chủ trương hiến đất mở đường chị liền đồng ý ngay.
Khi tôi hỏi: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, hiến đất như thế chị có cảm thấy tiếc không”?
Chị Chắc nói với giọng chắc nịch: “Tiếc thì đã không hiến, vì lợi ích chung của cả cộng đồng thì dù có phải hiến nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng sẽ sẵn sàng”.
Người xưa có câu “tấc đất là tấc vàng”, nhưng với người dân ở xã Hợp Hòa thì họ sẵn sàng hiến tặng “tấc vàng” để có được đường giao thông thông suốt. Gia đình anh Nguyễn Văn Hải, thôn Núi Độc là một trong số hộ hiến đất nhiều nhất của xã. Anh Hải đã tự nguyện hiến hơn 700m2 đất ở, trị giá hàng trăm triệu đồng để cho UBND xã thực hiện đổi đất cho gia đình ông Ma Văn Dương nằm trong vị trí giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Suối Lẹm.
Khu đất gia đình anh Nguyễn Văn Hải , thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đã hiến để mở đường.
Nói vui với anh Hải: “Hiến một lúc nhiều đất nhưng không được hỗ trợ kinh phí, sao anh và gia đình không có băn khoăn?”. Cười hồn hậu, anh Hải trả lời: “Khi nhìn người dân trong thôn cứ mãi đi lại trên con đường đất, nông sản làm ra bị thương lái ép giá, tôi thực sự không đành lòng. Làm đường giao thông chính là để phục vụ gia đình mình và người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu ai cũng vì lợi ích riêng thì tuyến đường khó được hoàn thành. Để có con đường mới, mỗi người hãy cùng sẻ chia, chung sức, đồng lòng với Nhà nước”.
Bài học trong công tác dân vận
Đi trên tuyến đường mới xây dựng ở Hợp Hòa chúng tôi gặp thêm không ít người dân. Tất cả họ đều biểu lộ sự đồng tình, và nhận thấy lợi ích từ việc mở rộng, xây dựng đường. Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Hà về những điều nghe được từ người dân, anh Hà chia sẻ, với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn nhưng bà con đồng lòng hiến đất cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng là thuận lợi lớn cho địa phương.
Sau những đợt vận động nhân dân hiến đất làm đường thì thấy Hợp Hòa đang có những đổi thay đáng mừng, nhất là việc thay đổi nhận thức trong nhân dân và trong cả cán bộ, đảng viên. Nhân dân đã sẵn sàng hơn trong việc đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của xã. Còn với cán bộ, đảng viên, có thêm kinh nghiệm quý trong công tác dân vận. Sát dân, lắng nghe dân, công khai, minh bạch với dân về các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án thì sẽ tạo được sự đồng thuận.
Trước khi rời Hợp Hòa, tôi đã hỏi bà Lê Thị Ngoan, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ninh Hòa về cách mà thôn đã triển khai để tháo gỡ khúc mắc trong nhân dân khi thực hiện tuyến đường ĐT.185. Bà Ngoan cho biết, nhờ kiên trì vận động, chia ra mỗi ngày đến một hộ dân để nói chuyện, giải thích cho họ biết, có đường rộng hàng hóa dễ mua bán, con cháu sau này cũng được hưởng lợi. Thế là họ đồng thuận, ai cũng vui vẻ hiến đất. Khi người dân có thấu hiểu thì sẽ có sẻ chia.
Nghe Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ninh Hòa trao đổi, nghĩ về những tâm sự của anh Nguyễn Văn Hải, chị Ma Thị Chắc hay ông Trần Văn Thành... đã kể, càng thấy thấm thía lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Gửi phản hồi
In bài viết