Kiểm tra sửa nhập khẩu.
Trong đó, những nội dung cũ không còn phù hợp được cải cách toàn diện, kỳ vọng tạo môi trường hữu hiệu bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng quy định hoạt động kiểm tra phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình, thủ tục kiểm tra. Sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức cũng được hạn chế đến mức thấp nhất: doanh nghiệp chỉ đăng ký kiểm tra trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, các cơ quan chức năng và tổ chức chứng nhận sự phù hợp kiểm tra thông báo trên Cổng, kết quả đạt yêu cầu thì hàng hóa được thông quan.
Việc tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia sẽ cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, bãi và thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.
Đáng chú ý, vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra được thể hiện nổi bật thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng để tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan, tạo thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung để phục vụ công tác kiểm tra, quản lý cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.
Bên cạnh mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra, lần đầu tiên, dự thảo Nghị định còn áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm trên nguyên tắc quản lý rủi ro và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Việc xác định theo phương thức kiểm tra được công khai trên Cổng và doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp từng phương thức được thông báo.
Đây là nội dung cải cách hơn, minh bạch hơn so với các quy định hiện hành, khắc phục những hạn chế do việc thiếu dữ liệu về quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, thiếu dữ liệu về hàng hóa kiểm tra chuyên ngành dẫn đến việc đánh giá doanh nghiệp có đủ điều kiện để được miễn kiểm tra hay không vẫn thực hiện thủ công, dựa trên văn bản xác nhận của cơ quan kiểm tra.
Qua đó, còn khắc phục căn bản tình trạng nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn thực hiện trên chứng từ giấy, chưa thực hiện trên Cổng, kết quả kiểm tra cũng không được cập nhật đầy đủ trên hệ thống, dẫn đến việc các cơ quan quản lý không đủ thông tin để phân tích, đánh giá rủi ro và áp dụng phương thức kiểm tra phù hợp.
Hiện nay, hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp để cho ý kiến thẩm định. Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, lĩnh vực, các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành, đồng thời khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm việc vận hành khi Nghị định ban hành và có hiệu lực.
Việc cải cách sẽ thay đổi căn bản cách làm hiện nay, do đó không tránh khỏi tác động tâm lý đã hình thành lâu nay của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội, thủ tục hải quan gắn với thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ hỗ trợ hiệu quả cơ quan hải quan đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Gửi phản hồi
In bài viết