Sản xuất quần áo thời trang xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV SESHIN VN2.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4 đến nay gặp nhiều bất lợi do chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn, tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Không khí làm việc của cán bộ, kỹ sư Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B diễn ra sôi nổi, đầy nhiệt huyết góp sức để dòng điện cung cấp liên tục, an toàn. Anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ nhà máy chia sẻ, tháng 4-2021, cả 3 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B đã chính thức vận hành với công suất lắp máy là 27 MW. Từ khi đi vào hoạt động, cán bộ kỹ sư của đơn vị luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong sản xuất; đảm bảo vận hành đúng quy trình, tận dụng tối đa nguồn nước và an toàn tuyệt đối cho công trình, thượng và hạ lưu hồ chứa. Chỉ sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động sản lượng điện của nhà máy đã đạt 78 triệu KWh, doanh thu 73 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 17 tỷ đồng.
Anh Lò Thanh Xuân, Quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B cho biết: Trong tháng 12 này, cán bộ, công nhân phấn đấu sẽ nâng doanh thu của nhà máy lên 82 tỷ đồng. Với khí thế lao động sôi nổi, cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2021, tạo đà cho năm 2022 phát triển bứt phá, nâng cao thu nhập cho công nhân người lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Năm 2021 phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh covid-19 nhưng lại là năm thành công của ngành xi măng. Ông Nguyễn Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang nhấn mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công đã tạo cú huých cho các doanh nghiệp xây dựng triển khai các dự án, công trình. Nhờ đó, ngành xi măng có nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Công ty thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch, đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để duy trì sản xuất hiệu quả. Đối với công tác phòng chống dịch với phương châm “an toàn để sản xuất” lãnh đạo công ty thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình diễn biến dịch Covid-19, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch để kịp thời triển khai các biện pháp phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Vì vậy, năm 2021, công ty sản xuất, tiêu thụ 1 triệu tấn sản phẩm xi măng các loại, vượt mục tiêu kế hoạch trên 10%, doanh thu đạt trên 900 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 50 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 ngay từ tháng 11 như Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 đã hoàn thành 14 triệu sản phẩm, đạt trên 150%; Công ty May Yên Sơn đã sản xuất 930 nghìn sản phẩm, đạt 155%; Công ty cổ phần Giấy Tuyên Quang sản xuất 2,8 nghìn tấn sản phẩm, đạt 115% kế hoạch năm...
Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 những ngày này hoạt động hết công suất. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 cho biết, nhờ các đơn hàng của các doanh nghiệp trong vùng dịch chuyển sang mà công nhân của công ty gần như làm không hết việc. Lượng hàng sản xuất trong 10 tháng của công ty đạt 14 triệu sản phẩm, tăng 150% so với kế hoạch năm, lượng hàng xuất khẩu đạt gần 10 triệu sản phẩm, tăng 123% so với kế hoạch năm.
Nhờ thực hiện hiệu quả các biện pháp khống chế dịch bệnh, thích ứng an toàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phục hồi. Nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh vượt đại dịch xuất khẩu ra nước ngoài, bảo đảm nâng cao giá trị sản xuất như dệt may, chè, da giày, sản xuất gỗ xuất khẩu...
Gửi phản hồi
In bài viết