Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Đồng Khẩn, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) được xây dựng từ năm 2012 để cung cấp nước sinh hoạt cho gần 200 hộ dân tại 2 thôn Đồng Đi và Đồng Khẩn. Ông Nông Văn Hẻn, Trưởng Ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt xã cho biết: Lúc đầu tư xây dựng, chủ đầu tư xây dựng đã khảo sát nhu cầu, các hộ dân của 2 thôn đăng ký sử dụng gần hết. Tuy nhiên qua quá trình hoạt động, mỗi năm số hộ sử dụng lại vơi đi. Ông Hẻn cho rằng: Sử dụng nước từ các công trình phải chi trả tiền, người dân chỉ muốn được miễn phí. Cùng với đó là thói quen sử dụng nước ngoài tự nhiên ở các đường nước lần, nước mỏ thoải mái hơn dù hiện nay nguồn nước này có nguy cơ ô nhiễm cao.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra công trình nước sạch Nhữ Khê - Nhữ Hán (Yên Sơn).
“Ngại” thay đổi thói quen
Cũng trên địa bàn xã Kiến Thiết, công trình nước sạch thôn Làng Un cũng được đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ Chương trình nước sạch nông thôn để cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho cộng đồng dân cư trong thôn. Tuy nhiên một số hộ dân trong thôn cũng chỉ lắp để đó, còn lại vẫn sử dụng nguồn nước lần, nước mặt từ các mỏ nước hoặc nước suối. Lý do là dùng nước ngoài tự nhiên thoải mái, dùng bao nhiêu cũng được không mất tiền.
Không riêng tại xã Kiến Thiết, nhiều địa phương đều xảy ra tình trạng có công trình cấp nước tập trung nhưng người dân vẫn dùng nguồn nước mặt từ các hộ dân dẫn về từ hệ thống suối, mỏ nước. Và việc sử dụng nguồn nước từ công trình chỉ khi nguồn nước mặt cạn kiệt không đủ cung cấp. Ngay tại công trình cấp nước sạch nông thôn Ninh Lai (Sơn Dương) một số hộ dân còn tranh chấp nguồn nước với công trình nước tập trung, tự ý lắp đặt đường ống riêng dẫn nước về nhà dùng để không chi trả tiền nước hàng tháng.
Theo các kỹ sư của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, nhiều người chưa hiểu hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch đem lại so với nguồn nước giếng khoan, nước mưa...Cùng với đó là vấn đề kinh tế, việc sử dụng nước từ công trình sẽ phải chi trả tiền khiến không ít hộ gia đình ở khu vực nông thôn dù địa phương có công trình cấp nước nhưng vẫn không sử dụng.
Thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có 95,7% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 15%, còn lại sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Thực tế cho thấy, nhận thức của người dân nông thôn về tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với sức khỏe còn hạn chế nên còn chủ quan trong việc sử dụng nguồn nước. Nếu sử dụng nước mưa hay giếng khoan không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.
Các chuyên gia cho rằng do tác động của nhiều yếu tố: Khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, vấn đề khai thác tài nguyên nước không hợp lý… đang tác động xấu đến tài nguyên nước, tình trạng nguồn nước ở một số khu vực có dấu hiệu bị ô nhiễm; lượng nước cũng ngày càng cạn dần. Vì vậy, để có nguồn nước hợp vệ sinh bảo đảm cho sức khỏe, tốt nhất bà con nên dùng nước sạch từ các nhà máy nước tập trung được kiểm nghiệm, thẩm định đầy đủ.
Nước sạch và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung là một trong những yếu tố thành phần quan trọng trong tiêu chí số 17 về chất lượng môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung, điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch tập trung và những nguy cơ từ việc sử dụng nước mặt, nước ngầm chưa được đánh giá để từ đó thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết